Khó có căn cứ xác lập hành vi vi phạm
Vấn nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” hoành hành gây ra nhiều hệ luỵ xấu như mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, cạnh tranh không công bằng trong kinh doanh diễn ra đã lâu tại tỉnh Đắk Lắk….
Để giải quyết vấn nạn này, UBND tỉnh Đắk Lắk có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh, xử lý dứt điểm. Thế nhưng, thực tế vấn nạn này không thuyên giảm mà ngày càng bành trướng.
Thực tế, sau nhiều ngày có mặt tại Tp.Buôn Ma Thuột, PV ghi nhận ngay cả những “điểm nóng” của vấn nạn, cho dù có lực lượng CSGT kiểm tra nhưng hoạt động xe dù, bến cóc vẫn diễn ra rầm rộ.
Cụ thể, ngày 10/3, Người Đưa Tin có bài viết phản ánh “Xe dù, bến cóc hoành hành, doanh nghiệp kêu cứu”. Ngay sau thông tin PV phản ánh, lực lượng chức năng đã vào cuộc. Thế nhưng, một nghịch lý, chỉ khi lực lượng CSGT xuất quân kiểm tra, xử lý vấn nạn thuyên giảm nhưng khi rút quân thì tình trạng này lại tái diễn.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Thiếu tá, Nguyễn Hiệp Bình, Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, việc phân cấp quản lý, đối với lực lượng CSGT Công an Tp.Buôn Ma Thuột để xử lý vấn nạn bến cóc, xe dù là công việc thường xuyên, liên tục chứ không phải khi báo chí phản ánh thì lực lượng CSGT mới vào cuộc.
“Đơn cử, từ 15/12/2022- 15/3/2023, đội xử lý 45 trường hợp xe khách vi phạm các quy định về hoạt động vận tải. Trong đó, xử lý 25 trường hợp liên quan đến các hành vi dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định, nhiều trường hợp xe hoạt động không có phù hiệu, tự ý cải tạo lắp đặt thêm ghế, xe chạy quá tốc độ,...”, ông Bình thông tin.
Theo ông Bình, riêng vị trí báo chí phản ánh “điểm nóng” cây xăng dầu số 2 đường Nguyễn Chí Thanh, (gần bến xe liên tỉnh), đội đã tiến hành kiểm tra rất nhiều lần.
Tuy nhiên thực tế, nếu căn cứ theo luật và các văn bản hiện hành, để đủ căn cứ xác lập các hành vi hoạt động xe dù, bến cóc là rất khó.
Bởi, nhiều xe họ ghé đổ xăng, các xe đậu đỗ trong khuôn viên của cây xăng sẽ rất khó để xử lý. Nhiều trường hợp tái xế cự cãi, chống đối, không hợp tác, thậm chí kiện ngược lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Thực tế, các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải đều do Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu thực hiện việc quản lý, còn CSGT chỉ thực thi một nhiệm vụ nhỏ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, khi phát hiện các hành vi vi phạm mới xử lý.
Ngoài ra, lực lượng CSGT cùng một lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong khi địa bàn rộng, quân số, phương tiện có phần hạn chế không thể nào túc trực khắp các tuyến đường được.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch công khai, minh bạch. Trong khi đó, các phương tiện hoạt động “chui” dùng các biện pháp thông báo cho nhau để né tránh, đối phó với CSGT.
Ông Bình cho biết thêm: “Nói về góc độ quản lý Nhà nước, Sở Giao thông Vận tải là đơn vị có thẩm quyền cấp và thu hồi phù hiệu, quản lý hộp đen hành trình, lịch trình di chuyển của các phương tiện. Xe nào đúng tuyến, xe nào lệch tuyến hay chạy quá tốc độ cho phép, họ nắm được ngay. Do đó, nếu lực lượng chuyên môn của Sở Giao thông Vận tải sâu sát hơn, kiên quyết, triệt để hơn thì rất dễ xử lý".
Sở ngành bất nhất trong xử lý vi phạm
Liên quan đến vấn nạn xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra giấy vận chuyển, hợp đồng vận chuyển, phù hiệu của các phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách trên địa bàn.
Mới đây, ngày 4/1, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ra Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp thu ngân sách Nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cung cấp kịp thời cho cơ quan thuế các thông tin liên quan đến việc cấp giấy phép, phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải, phối hợp trong việc kiểm tra xác định thông tin các phương tiện vận tải thực tế có hoạt động kinh doanh hoặc không hoạt động kinh doanh, quản lý chặt chẽ, hiệu quả chống thất thu trong kinh doanh vận tải.
Thanh tra giao thông phải phối hợp với cơ quan thuế và các ngành liên quan chống thất thu thuế ở khâu phương tiện lưu thông theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Công Tùng, Phó Cục trưởng cục thuế tỉnh Đắk Lắk, căn cứ vào trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế được quy định tại Điều 28 Nghị định số 126/2020/NĐCP ngày 19/10/2020.
Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Cục thuế đã có nhiều công văn gửi Sở Giao thông Vận tải tỉnh về việc phối hợp cung cấp thông tin của các phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhưng đến nay Cục thuế vẫn chưa nhận được hồi âm nào.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Tùng, ngày 2/2, Cục thuế tỉnh Đắk Lắk có Văn bản số 279/CTĐLA-TTKT3 gửi Sở Giao thông Vận tải về việc phối hợp dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến phù hiệu kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Về vấn đề này, Chi cục Thuế Tp.Buôn Ma Thuột có Công văn 116/CV-KTr2, báo cáo về việc quản lý thuế đối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
Cục thuế tỉnh Đắk Lắk có văn bản (có danh sách nhà xe kèm theo) đề nghị Sở Giao thông Vận tải dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến phù hiệu các đơn vị này, nhưng chưa nhận được sự hợp tác từ Sở Giao thông Vận tải.
Bởi chưa có sự thống nhất đồng bộ, hợp tác chặt chẽ giữa các Sở, ban ngành khiến cơ quan thuế khó làm tốt được nhiệm vụ của mình. Do đó theo ông Tùng, Cục thuế rất mong nhận được sự hợp tác từ Sở Giao thông Vận tải, cũng như các cơ quan ban ngành khác.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/3 PV đã liên hệ với ông Đỗ Quang Trà - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk để nắm thêm thông tin. Tuy nhiên, ông Trà cho biết đang đi công tác xa, sẽ trả lời sau.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
N.P.V