Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C vừa đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2022 của Thiên Nam.
Trong đó, cơ sở đưa ra ý kiến ngoại trừ do hiện tại Thiên Nam đang có các khoản nợ phải thu khách hàng đã quá hạn thanh toán với số tiền 289,6 tỷ đồng. Mặc dù một số cá nhân đã dùng tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng của mình để bảo lãnh cho các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán này, nhưng kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá rằng liệu giá trị của các tài sản đảm bảo này có đủ để đảm bảo cho khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu này.
Danh sách nợ quá hạn phát sinh từ 2 năm đến 3 năm và trên 3 năm |
Được biết, thuyết minh nợ quá hạn phát sinh từ 2 năm đến 3 năm và trên 3 năm chủ yếu Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Nhật Kim 44,85 tỷ đồng; Công ty TNHH Việt Quang 39,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Xây dựng Tiên Tiến 28,1 tỷ đồng …
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ngay khi kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu TNA vào diện cảnh báo từ ngày 10/4 do tổ chức Kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Đồng thời, HoSE cũng bổ sung cổ phiếu TNA vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do chứng khoán thuộc diện cảnh báo.
Lũy kế trong năm 2022, Thiên Nam ghi nhận doanh thu đạt 6.447,22 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 11,52 tỷ đồng, giảm 41,1% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 3,9% về còn 2,9%.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4, cổ phiếu TNA đóng cửa giá tham chiếu 5.800 đồng/cổ phiếu.