Ngày 4/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", đề nghị VKSND Tối cao truy tố 54 bị can với 5 tội danh Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Đưa hối lộ.
Hành vi của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng
Theo kết luận điều tra, vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 bùng phát, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bộ Công an cho rằng, các bị can đã lợi dụng thời điểm dịch bệnh để vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước; gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và Việt Nam trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang quần chúng, nhân dân.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, Bộ Công an còn phát hiện có 2 bị can là chủ các doanh nghiệp, lợi dụng vụ án để móc nối, tiếp xúc với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhằm "chạy án", rồi từ đó chiếm đoạt tài sản.
"Hành vi này của các bị cáo gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng, đồng thời gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cho các cá nhân", kết luận điều tra nêu.
Trong vụ án này, có các bị can là quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ban Đối ngoại trung ương...
Các cựu đại sứ Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola cũng được xác định có hành vi Nhận hối lộ.
Các bị can là cựu lãnh đạo nhận hối lộ bao nhiêu tiền?
Là một trong những người có vị trí đặc biệt, ông Nguyễn Quang Linh - trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Phó Thủ tướng phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, ông Linh đã lợi dụng vị trí công tác, để giúp Công ty Lữ Hành Việt được triển khai 18 chuyến bay; giúp Công ty ATA, Investco được phê duyệt chuyến bay khi được nhờ.
Với những hành vi trên, kết luận điều tra xác định, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng từ Công ty Lữ Hành Việt và bị can Nguyễn Mai Anh (chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ).
Trong khi đó, ông Tô Anh Dũng với vai trò là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay, trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự, để gửi các thành viên trong Tổ công tác 5 Bộ xin ý kiến.
Quá trình thực hiện công vụ, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen, liên hệ nhờ vào danh sách kế hoạch thực hiện chuyến bay combo. Từ hành vi trên cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao "kiếm" được 21,5 tỷ đồng, từ đại diện các doanh nghiệp được "hỗ trợ, tạo điều kiện".
Cũng là lãnh đạo tại Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, bị cáo buộc nhận tới hơn 25 tỷ đồng từ 8 đại diện các doanh nghiệp.
Một trong những lãnh đạo khác bị cáo buộc nhận hối lộ là ông Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo kết luận điều tra, vị cựu lãnh đạo này đã nhận hơn 2 tỷ đồng, để cấp chủ trương cách ly cho 5 doanh nghiệp.
Với những các bị can khác bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, kết luận điều tra xác định, họ cũng nhận những số tiền từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.
Một cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khác là ông Vũ Hồng Nam cũng có hành vi nhận hơn 1,8 tỷ đồng trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Kết luận của Bộ Công an cho biết, ông Nam khi đang là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để giúp Công ty Nhật Minh được tham gia bán vé máy bay và khách sạn lưu trú cho 6 chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về nước.