Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, đang ôm khoản nợ hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc, trong đó 22,7 tỷ USD là nợ nước ngoài.
Evergrande rơi vào khủng hoảng thanh khoản từ năm 2020 và đã lên kế hoạch giảm một nửa khoản nợ đến năm 2023. Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt quy định khiến thị trường địa ốc lao dốc nghiêm trọng. Các vấn đề về nguồn vốn làm cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande giảm mạnh. Đến tháng 12/2022, Công ty chính thức vỡ nợ trái phiếu coupon bằng đồng USD.
Ưu tiên chính của Bắc Kinh là duy trì sự ổn định xã hội. Do đó, tập đoàn địa ốc của tỷ phú Hứa Gia Ấn cần sớm trả nợ cho các khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Sau nhiều tháng trì hoãn, đến đầu tháng 12/2022, China Evergrande dường như sắp hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu nợ. Công ty đặt mục tiêu cuối tháng này sẽ đưa ra đề xuất đối với việc giải quyết khoản nợ bằng đồng USD. Trong hồ sơ gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong ngày 3/4, Evergrande cho biết, tập đoàn này đã nhất trí về các đề xuất với một nhóm chủ nợ chính.
Các chủ nợ tham gia 3 kế hoạch tái cơ cấu nợ, hoán đổi nợ thành tín phiếu và trái phiếu mới hoặc cổ phần trong công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services và công ty sản xuất xe điện Energy Vehicle của Evergrande niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc).
Evergrande hy vọng việc tái cơ cấu như đề xuất sẽ tạo thuận lợi cho việc nối lại hoạt động kinh doanh và dần dần tạo ra dòng tiền để thanh toán nợ. Quá trình tái cơ cấu nợ dự kiến diễn ra từ ngày 1/10 tới.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn đang lao đao khi các công ty phát triển bất động sản, trong đó có Evergrande không thể hoàn thành các dự án nhà ở. Trong khi đó, các công ty nhỏ bị vỡ nợ hoặc gặp khó khăn trong việc huy động vốn kể từ khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các quy định cho vay.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố các biện pháp mới để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh lĩnh vực bất động sản, bao gồm hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản đang nợ nần, hỗ trợ tài chính để đảm bảo hoàn thành các dự án và hỗ trợ cho vay trả chậm đối với người mua nhà. Những chính sách này dường như đã phát huy tác dụng khi số giao dịch mua nhà ở của nước này tăng vọt trong tháng 2 vừa qua tại các thành phố lớn.