Sự luân phiên này nhằm tăng cường nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Để không lãng phí, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng sẽ không cào bằng cho tất cả các trạm y tế khi triển khai.
Bệnh viện luân phiên có thời hạn
Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hướng dẫn số 2244 để triển khai kế hoạch 5060 ngày 28-12-2022 của UBND TP về việc luân phiên có thời hạn với nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2030.
Đại diện sở này cho biết thêm, hiện ngành y tế đang trong quá trình xác định nhu cầu số lượng nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y) tại các trạm y tế trên toàn địa bàn TP.
Đến ngày 30-4, các bệnh viện tuyến trên phải có kế hoạch và dự toán kinh phí khi chuyển nhân viên y tế theo nội dung hỗ trợ chuyên môn đã thống nhất với tuyến y tế cơ sở.
Hướng dẫn nêu rõ, nhân viên y tế khi được cử đi luân phiên sẽ hưởng 100% tiền lương, các khoản phụ cấp và các quyền lợi khác theo quy định tại nơi làm việc chính. Chi phí đi lại cũng sẽ được hỗ trợ thanh toán.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho hay bệnh viện đã cử hai bác sĩ trẻ về xã đảo Thạnh An theo chương trình nâng cao năng lực y tế xã đảo này của Sở Y tế TP. Với kế hoạch luân phiên bác sĩ về y tế cơ sở mới nhất, ban giám đốc bệnh viện đang giao các phòng lập kế hoạch theo chỉ đạo.
Các trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM như TP Thủ Đức, quận 12, quận 7, quận Phú Nhuận, huyện Hóc Môn cho biết tình trạng thiếu bác sĩ tại đơn vị như "căn bệnh trầm kha", diễn ra trong thời gian dài.
Là nơi tiếp nhận chăm sóc ban đầu cho hơn 20.000 dân trên địa bàn thị trấn Hóc Môn, nhưng trạm y tế thị trấn Hóc Môn không có bác sĩ.
Hiện trạm chỉ có 6 viên chức gồm 2 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ y học cổ truyền, 1 điều dưỡng trung học, 1 dược sĩ trung học và 1 cử nhân nữ hộ sinh. Trưởng trạm là bà Trương Thị Ánh Mai - y sĩ đa khoa.
Bà Mai cho biết do thiếu nhân sự, mỗi nhân viên y tế tại trạm kiêm nhiệm nhiều chương trình khác nhau nên gặp nhiều khó khăn. Với kế hoạch luân phiên bác sĩ ở bệnh viện về trạm y tế của thành phố, bà Mai rất mừng khi trạm sẽ không còn thiếu bác sĩ.
Bác sĩ luân phiên phải hiểu rõ y tế cơ sở
Kế hoạch bác sĩ tại các bệnh viện công lập ở TP.HCM được điều động luân phiên về tuyến y tế cơ sở trong vòng 2 đến 12 tháng của UBND TP.HCM sẽ giúp tăng cường nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ chia sẻ bản thân ông ủng hộ kế hoạch này vì về lâu dài y tế cơ sở phải được nâng cao năng lực mới góp phần giải quyết tình trạng quá tải của y tế tuyến trên, nhưng cần làm sao để kế hoạch được thực hiện hiệu quả thì vẫn còn nhiều băn khoăn.
"Mặc dù bác sĩ phải tạm xa chuyên môn sâu, nhưng sẽ có sự trải nghiệm ở y tế cơ sở, việc này giống bài kiểm tra năng lực khi phải làm việc ở một nơi thiếu thốn trang thiết bị lẫn nhân lực chất lượng cao. Tay nghề sẽ được rèn luyện và cả việc thấu hiểu hơn khó khăn của y tế cơ sở, từ đó sẽ tăng sự đồng cảm đối với nghề nghiệp lẫn bệnh nhân", bác sĩ Mỹ nói.
Bác sĩ Dương Văn Chiến - nguyên giám đốc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận (TP.HCM) - chia sẻ ông đi từ y tế cơ sở nên rất hiểu khó khăn tuyến dưới.
Bác sĩ Chiến cho hay ông luôn ủng hộ kế hoạch này của thành phố, tuy nhiên việc điều động bác sĩ luân phiên về y tế cơ sở không phải là dễ dàng, đưa đến hiệu quả tối đa khi họ bị ràng buộc quyền hạn.
Bác sĩ Chiến lấy ví dụ, với cơ chế bảo hiểm y tế hiện nay, cùng là một bác sĩ ra trường đi làm nhưng nếu làm ở trạm y tế thì chỉ kê những thuốc loại 3 và 4, nhưng nếu làm ở bệnh viện tuyến trên thì có quyền kê thêm nhiều loại thuốc. Như vậy có thể thấy bác sĩ khi xuống y tế cơ sở có thể không phát huy hết năng lực, trong khi bệnh viện tuyến trên tạm thiếu một bác sĩ.
Trước lo ngại khi đưa bác sĩ về trạm y tế, nhưng người dân đến trạm còn ít, gây lãng phí, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ đây là lập luận khá chính xác. Để tháo gỡ lo ngại này, khi sở triển khai sẽ không cào bằng tất cả các trạm y tế, nghĩa là không phải tất cả các trạm y tế đều đưa bác sĩ về luân phiên như nhau.
Theo ông Thượng, đặc điểm các trạm y tế ở thành phố khác nhau, cụ thể trạm y tế ở trung tâm thành phố sẽ khác với trạm ở xa trung tâm như các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi. Do đó sở đã xây dựng chức năng và nhiệm vụ cho các trạm khác nhau, nên việc phân bổ số bác sĩ về các trạm cũng khác theo.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là hiện tổng số bác sĩ đa khoa tại 310 trạm y tế trên toàn thành phố chỉ có 250 người. Nếu tính tỉ lệ bác sĩ đa khoa/10.000 dân ở TP.HCM chỉ là 0,25, trong khi tỉ lệ này ở các nước có ngành y tế phát triển là 3-7.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế sớm có cơ chế, chính sách để tăng tỉ lệ bác sĩ đa khoa công tác tại y tế cơ sở hơn trong thời gian tới.
Đồng thời xem xét chuyển đổi phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang theo số dân cư trên địa bàn (như mỗi 10.000 - 20.000 dân cần có một trạm y tế).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sau 20 năm thực hiện chỉ thị 06 của Ban Bí thư khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế cơ sở vẫn còn một số tồn tại nhất định là cung ứng dịch vụ mới tập trung tới điều trị cho người bệnh, chưa chú trọng đúng mức đến phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh, nhất là các bệnh mạn tính.
Bộ Y tế đang xây dựng đề án "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới" để trình Ban Bí thư trong tháng 5-2023, đồng thời tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề với các trung tâm y tế cấp huyện, các trạm y tế, tham khảo các ý kiến chuyên gia, tập trung vào những đề xuất giải quyết khó khăn thực tế.
Nhiều trạm y tế tại TP.HCM đang trở thành nơi thu hút hàng trăm lượt người bệnh có bảo hiểm y tế đến thăm khám.
Xem thêm: mth.11552800150403202-oas-ar-et-y-mart-ev-neiv-hneb-is-cab-neihp-naul/nv.ertiout