Eo biển Đài Loan có nguy cơ leo thang căng thẳng
* Chủ tịch Hạ viện Mỹ gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn
Tối 5-4 (giờ Mỹ) tức rạng sáng nay 6-4 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại bang California (Mỹ).
Phát biểu sau cuộc gặp, ông McCarthy cho biết ông và một nhóm nghị sĩ hai đảng của Mỹ đã có một cuộc thảo luận "rất hiệu quả" với bà Thái Anh Văn.
Ông McCarthy cũng nhấn mạnh Mỹ phải tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại cũng như công nghệ với Đài Bắc. Ông nói thêm rằng sự hỗ trợ của Washington dành cho Đài Bắc sẽ không lay chuyển.
Về phần mình, bà Thái cảm ơn "những người bạn của Đài Loan trong Quốc hội Mỹ" và nhấn mạnh hòn đảo này sẽ là nền tảng cho ổn định cũng như hiện trạng eo biển Đài Loan.
Ông McCarthy trở thành nhân vật cấp cao nhất của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo Đài Loan trên đất Mỹ kể từ năm 1979 bất chấp các mối đe dọa trả đũa từ Trung Quốc, quốc gia tuyên bố Đài Loan là một phần không thể tách rời của nước này.
* Quân đội Trung Quốc báo động. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ gần như ngay lập tức sau cuộc gặp của bà Thái Anh Văn và ông McCarthy.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hành động của Mỹ với Đài Loan là một sự đồng lõa và kiên quyết phản đối, cảnh báo sẽ có các hành động đáp trả. Bộ này cáo buộc Washington đang cố gắng lợi dụng Đài Bắc để kiềm chế Bắc Kinh.
Theo Trung Quốc, Mỹ đã không ngừng thách thức "giới hạn đỏ" trong quan hệ với Trung Quốc bằng cách tiếp các quan chức Đài Loan và khiêu khích Bắc Kinh bằng các hợp đồng vũ khí cho Đài Bắc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó thông báo quân đội nước này đang trong trạng thái "báo động cao độ" sau cuộc gặp McCarthy - Thái Anh Văn.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ giữ vững các trách nhiệm và nghĩa vụ với đất nước, ám chỉ việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Bộ này sau đó kêu gọi Mỹ tôn trọng các cam kết chính trị liên quan Đài Loan. Theo giới quan sát, phản ứng của Trung Quốc cho thấy tình hình eo biển Đài Loan sắp căng thẳng trở lại.
Bắc Kinh có thể trả đũa bằng các động thái quân sự gần đảo Đài Loan trong hôm nay và vài ngày tới.
Ukraine bắn tín hiệu mới liên quan Crimea
* Kiev sẵn sàng nói chuyện về Crimea?
Ngày 6-4, tờ Financial Times dẫn lời cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev sẵn sàng thảo luận về tương lai của Crimea với Matxcơva nếu lực lượng của họ tiến đến biên giới của bán đảo bị Nga chiếm đóng.
Các bình luận của ông Andriy Sybiha - phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, là tuyên bố rõ ràng nhất về sự quan tâm của Ukraine đối với các cuộc đàm phán kể từ khi nước này cắt đứt hòa đàm với Điện Kremlin vào tháng 4 năm ngoái.
"Nếu chúng tôi thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trên chiến trường và khi chúng tôi tiến sát biên giới hành chính với Crimea, chúng tôi sẵn sàng mở một trang ngoại giao để thảo luận về vấn đề này", ông Sybiha ám chỉ kế hoạch phản công của Ukraine sắp diễn ra.
"Điều đó không có nghĩa là chúng tôi loại trừ con đường giải phóng Crimea bằng quân đội của mình", ông nói thêm.
Ông Sybiha là một nhà ngoại giao kỳ cựu, người tập trung vào chính sách đối ngoại trong văn phòng tổng thống và đã ở bên cạnh ông Zelensky vào những thời điểm quan trọng của cuộc chiến.
* Tổng thống Ukraine cảm ơn Ba Lan
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Ba Lan và khẳng định sự giúp đỡ của Warsaw sẽ giúp thành lập một liên minh các cường quốc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
"Giống như khả năng dẫn dắt mà Ba Lan đã thể hiện trong liên minh xe tăng cho Ukraine, tôi tin rằng điều đó sẽ thể hiện trong liên minh máy bay", Tổng thống Zelensky nói trong một bài phát biểu tại một quảng trường ở Warsaw ngày 5-4. Nhà lãnh đạo Ukraine đang có chuyến thăm Ba Lan từ ngày 5-4.
Theo ông Zelensky, Nga sẽ không đánh bại châu Âu khi Ukraine và Ba Lan đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Ông dự kiến gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trong chuyến thăm, đồng thời nói chuyện với những người tị nạn Ukraine và công chúng Ba Lan.
* Đại sứ Nga, EU trình quốc thư lên Tổng thống Putin. Ngày 5-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận quốc thư của 17 đại sứ các nước, trong đó có tân đại sứ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc gặp sau phần nghi lễ, ông Putin đã nói với các đại sứ mới của Mỹ và EU bằng ngôn từ thẳng thừng rằng những nước này phải chịu trách nhiệm về sự xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ Nga - phương Tây.
"Thưa bà Đại sứ Lynne Tracy, tôi biết bà có thể không đồng ý, nhưng tôi không thể không nói rằng Mỹ sử dụng các công cụ như hỗ trợ cho cái gọi là 'cách mạng màu' trong cuộc đảo chính ở Kiev vào năm 2014. Cuối cùng nó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine ngày nay," ông Putin nói.
Phát biểu riêng sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Matxcơva cần duy trì quan hệ với Washington cho dù việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine có nghĩa là hai nước "đang thực sự ở trong giai đoạn nóng của cuộc chiến".
Ông Lavrov tuyên bố Nga vẫn chưa hết hy vọng là Mỹ "sẽ tỉnh táo lại và sẽ nối lại một số hình thức đối thoại".
* Mỹ cùng đồng minh tẩy chay quan chức Nga bị ICC truy bắt
Mỹ, Anh, Albania và Malta đã tẩy chay đặc phái viên về quyền trẻ em của Nga - người mà Tòa án Hình sự quốc tế muốn bắt giữ - khi bà nói chuyện qua video với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 5-4.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, nói với các phóng viên rằng Mỹ đã cùng với Anh cố gắng chặn webcast để bà Lvova-Belova không có cơ hội "truyền bá thông tin sai lệch" và giải thích về tình hình Ukraine.
Matxcơva bị cáo buộc đã đưa trẻ em Ukraine tới Nga trái với ý muốn của các em. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an, bà Lvova-Belova cho biết kể từ tháng 2-2022, khoảng 5 triệu người Ukraine, trong đó có 700.000 trẻ em, đã tới Nga.
Trong số này có 2.000 trẻ em đến từ các trại trẻ mồ côi và có người giám hộ đi cùng, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 1.300 trẻ trong số đó đã trở về Ukraine. 400 trẻ hiện đang ở các trại trẻ mồ côi ở Nga và 358 em khác được đưa vào các nhà nuôi dưỡng của Nga.
* Ông Trump đòi cắt ngân sách cho FBI
Cựu tổng thống Donald Trump hôm 5-4 đã kêu gọi các thành viên Cộng hòa của ông tại Quốc hội cắt giảm tài trợ cho Bộ Tư pháp và FBI, một ngày sau khi ông không nhận tội ở New York đối với 34 trọng tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh.
Đề xuất của ông Trump khó có thể được Quốc hội chú ý, với Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện.
FBI, một bộ phận của Bộ Tư pháp, là cơ quan an ninh và tình báo nội địa của Mỹ. Chính ông Trump đã bổ nhiệm giám đốc FBI hiện tại, Christopher Wray.
Ông Trump ủng hộ việc tăng chi tiêu cho Bộ Tư pháp trong thời gian giữ chức tổng thống từ năm 2017 đến năm 2021. Ngân sách của bộ này đã tăng 4% trong khoảng thời gian đó lên 38,7 tỉ USD, theo số liệu của Nhà Trắng.
Tự do trong hoang dã
Con báo đang leo lên cây trong một khu bảo tồn ở Kenya. Ở góc ảnh này, trông con vật thật tự do và sung sướng giữa môi trường sống tự nhiên của nó. Ảnh: Thomas Vijayan/Atlantic
Ông Trump viết trên mạng xã hội là mình "không làm gì bất hợp pháp"; Trung Quốc dọa đáp trả Nhật; Nghi phạm giết blogger quân sự Nga bị buộc tội khủng bố... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 5-4.