Ngày 6/4 tại Tp.HCM đã diễn ra Tọa đàm "Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa". Tại đây, nhiều ý kiến chỉ ra những hạn chế về hoạt động logistics của vùng và đưa ra giải pháp cụ thể để phát triển.
Vừa thiếu vừa yếu
Đánh giá về thực trạng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía nam, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, Chính phủ đã có định hướng phát triển đối với vùng kinh tế trong điểm phía nam là tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản. Do đó việc phát triển ngành logistics cần đi đôi và song hành với sự phát triển của khu vực và đáp ứng cho hoạt động giao nhận vận chuyển xuyên suốt.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại Tp.HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các DN. Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho rằng, dữ liệu phục vụ cho hoạt động logistics vẫn còn phân tán, chưa có dữ liệu chung để sử dụng cho cả chuỗi cung ứng. Điều này làm cho chi phí vận tải tăng lên.
Trong đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tp.HCM xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 đến 15%.
Phân tích sâu hơn về các hạn chế, ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có hơn 7.000 doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, tăng 17% so với năm 2021. Tính chung cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics; trong đó, hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL. Tỷ lệ doanh nghiệp logistics trong nước chiếm hơn 80%, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài vì doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo ông Đỗ Xuân Minh, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5% cho thấy sức hấp dẫn của ngành này trong tổng thể nền kinh tế. Do đó, dư địa cho phát triển logistics tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển logistics tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, từ cảng, đường kết nối đế hệ thống kho bãi.
Tại khu vực phía Nam, mặc dù đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua 2 hệ thống cảng Tp. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu. Hệ thống giao thông quá tải, thiếu đường cao tốc gây tình trạng tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dù có hệ thống sông thuận lợi cho phát triển phương thức vận tải thủy nội địa, nhưng thực tế, hàng hóa tại vẫn phải tập trung về các cảng Đông Nam Bộ để xuất khẩu, gây tốn kém, mất thời gian và phức tạp.
Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống logistics
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 35% GRDP, hơn 40% thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Vậy giải bài toán phát triển logistics cho vùng này như thế nào?
Theo giới chuyên gia, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, Tp.HCM và các địa phương cần nhanh chóng “chuyển mình”, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược như đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, đường sắt. Thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chương trình chuyển đổi số để logistics thật sự phát huy thế mạnh, đóng góp lớn vào cơ cấu phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh ông Đặng Vũ Thành cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án mà nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Tp.Hồ Chí Minh - Mộc Bài hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ và vùng Ðông Nam bộ, các tuyến đường vào các cảng biển. Đồng thời, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác hiệu quả phương thức vận tải đường thủy và kết nối hoạt động xuất khẩu trực tiếp từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Về nguồn lực, theo ông Đặng Vũ Thành, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế.
Đối với mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics của cả khu vực cần tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch đảm bảo cho sự luân chuyển hàng hoá và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường mở rộng các tuyến đường thuỷ, nạo vét kênh rạch để giảm tải cho đường bộ, đón tàu lớn vào các khu vực làm hàng. Đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn kết nối vào thực tế để nhanh chóng hình thành khu vực vệ tinh cho các cảng luân chuyển hàng hoá nhanh hơn.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Minh cho rằng, để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phát triển theo hướng vận tải xanh. Theo đó, cần xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng tại Tp.HCM đối với phương thức vận tải bằng đường thủy, các hệ thống bến cảng thủy nội địa, thúc đẩy tính liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, thành phố có thuận lợi kết nối bằng đường thủy nội địa.
Xây dựng các chính sách để hỗ trợ quá trình phát triển cảng thương mại tự do, trong đó có miễn thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân và nhà đầu tư. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để đảm bảo kiểm soát hàng hóa trong cảng thương mại tự do hoàn toàn chính xác. Có lộ trình thu hút đầu tư, kinh doanh bao gồm cả hàng hóa trung chuyển, quá cảnh với "thuế quan bằng 0%, thuế suất thấp và hệ thống thuế đơn giản" nhằm thúc đẩy dòng thương mại, đầu tư, vốn và nguồn nhân lực xuyên biên giới thuận tiện hơn, cũng như an toàn và an ninh thông tin, dữ liệu.
Ở góc độ cơ quan hải quan, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM cho biết, thời gian qua, Cục Hải quan Tp.HCM luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo thuận lợi thương mại.
Việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, góp phần khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, địa điểm nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung góp phần đáng kể vào việc giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không.
Từ năm 2019 đến nay, Cục Hải quan Tp.HCM đã chủ trì xây dựng và đưa vào thực hiện Đề án Tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái (Đề án 2318). Đây là một trong những chương trình đột phá của Cục Hải quan Tp.HCM nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại thành phố.
T.M (tổng hợp)