Ngành điện than khó khăn trăm bề!
Mùa nắng nóng đang cao, nhưng ngành điện Việt Nam càng nóng hơn khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ liên tục và nhiều lần đề nghị Chính phủ tăng giá điện. Cái khó của Chính phủ là biết EVN đang lỗ, nguy cơ Nhà nước mất vốn trong EVN ngày càng cao, nhưng trong hoàn cảnh phải duy trì tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát, việc tăng giá điện là bài toán cực khó.
EVN đang rất khó khăn. Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí đã tăng rất cao so với năm 2020, đặc biệt sau xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina. Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương, giá than trộn trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá năm 2021. Giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Riêng thời điểm tháng 4-2022, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021. Giá khí cũng tăng 27,4%, trong khi tỷ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021, đẩy chi phí mua điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc tăng cao. Tính trung bình, EVN nhập khẩu điện với giá 6,95 cent/KWh, trong năm 2022, đó là chưa kể phải đầu tư truyền tải để nhập khẩu điện.
Năm 2022, EVN báo lỗ 26.235,78 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện từ các năm 2019 - 2022 lên tới 14.725,8 tỷ đồng. Riêng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện ghi nhận mức lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Năm 2023, ngành điện dự kiến lỗ thêm 71.620 tỷ đồng, đưa tổng lỗ giai đoạn 2022 - 2023 lên 99.305 tỷ đồng. Với khoản lỗ này, sẽ làm mất 44,8% vốn Nhà nước tại EVN.
Điện mặt trời, điện gió kêu cứu
Mới đây, 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá, làm cho 34 nhà máy điện sạch đã đầu tư xong, sẵn sàng phát điện thương mại nhưng không thể bán điện cho EVN theo giá điện cơ chế cố định khuyến khích (FIT).
Trong văn bản gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp (DN) điện sạch cho biết, trong gần 3 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong số các dự án chuyển tiếp này, có 34 dự án (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời), tổng công suất phát điện 2.090,97 MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đã xong giai đoạn thử nghiệm, hoàn toàn đủ điều kiện phát trên lưới điện quốc gia, nhưng phải nằm chờ cơ chế giá phát điện từ EVN.
Kiến nghị nêu rõ: Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện lưới quốc gia, theo tính toán của các DN lên tới khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó có đến 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng, đẩy các DN đối mặt với nguy cơ bị nợ xấu. Các DN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới tuân thủ đúng khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp, đảm bảo cho 34 nhà máy điện sạch đã đầu tư xong, sẵn sàng phát điện thương mại.
Trước đó, cuối tháng 7-2022, trước việc hàng tỷ USD điện gió "đắp chiếu", gây lãng phí lớn, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Theo báo cáo này, lúc đó có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nhưng do giá mua bán điện cố định (FIT) hết hạn nên chưa có giá mua điện và 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 452 MW cũng đang chờ xác định giá bán điện; ngoài ra còn một số dự án khác đã triển khai dở dang. Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế để nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN theo khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.
Cũng trong báo cáo này, Bộ Công thương đề nghị bãi bỏ các quyết định số 13, 37, 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế ưu đãi phát triển điện mặt trời và điện gió. Lý do, hiện các điều khoản về giá FIT đã hết hiệu lực áp dụng, nhưng về mặt pháp lý vẫn còn hiệu lực thi hành. Bộ Công thương đề nghị bỏ các quyết định ưu đãi vì cho rằng các chính sách, quy định đó, cùng với giá FIT chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào điện gió, điện mặt trời lúc ban đầu (đã được áp dụng từ 31-12-2017 đến 31-12-2020).
Thế khó của nhà đầu tư điện sạch
Ngày 10-01-2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, mức giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế VAT) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh. Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh. Đây là khung giá làm cơ sở để EVN và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận giá phát điện theo quy định. Tuy nhiên, các DN điện sạch cho rằng mức giá đó bất hợp lý, cần tính toán lại, đặc biệt kiến nghị giữ các điều khoản ưu đãi.
Trong khi đó, Bộ Công thương cho rằng khung giá này được tính trên cơ sở chi phí thực tế, theo các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, Viện Năng lượng. Hiện suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN, suất đầu tư được thẩm định, lựa chọn trên cơ sở suất đầu tư các dự án giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió. Về giá FIT, đó là cơ chế giá điện hỗ trợ ban đầu, được thiết kế để khuyến khích đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Coi như đã hết hiệu lực.
Những lý giải của Bộ Công thương về giá điện mới không làm thỏa mãn các nhà đầu tư. Họ muốn tiếp tục có ưu đãi để thu hút đầu tư. Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thực tế các nhà đầu tư điện tái tạo đã và đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó việc xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện sạch đã triển khai là cần thiết.
Để giải tỏa sự ách tắc của các nhà đầu tư năng lượng sạch, tại hội nghị do EVN tổ chức chiều 20-3, tại Hà Nội, có sự tham dự của 85 chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, các nhà đầu tư kiến nghị EVN, Bộ Công thương xem xét huy động ngay công suất của dự án đủ điều kiện phát điện với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực đầu tư của DN. Nếu đề xuất này được giải quyết, 34 dự án điện gió, điện mặt trời - tương đương 2.091 MW đã hoàn thành đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án đã test xong thử nghiệm của EVN, được Bộ Công thương nghiệm thu, đã sẵn sàng phát điện thương mại.
Ngày 22-3, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31-3-2023, để sớm đưa các nhà máy điện sạch vào vận hành. Tuy nhiên, đến nay EVN và các DN sản xuất điện sach vẫn chưa thể đàm phán xong về giá điện sạch như đã đề xuất. EVN viện dẫn lý do là Bộ Công thương vẫn chưa có hướng dẫn liên quan đến những vướng mắc trong đàm phán giá điện. Do đó EVN có văn bản gửi Bộ trưởng Công thương nêu loạt vướng mắc cần gỡ khó do không có hướng dẫn từ Bộ này và chờ Bộ Công thương phản hồi.
Đến nay đã qua tháng 4-2023, yêu cầu của Bộ Công thương với EVN phải đàm phán giá điện sạch trước ngày 31-3 đã không thể thực hiện được. Hơn nữa đến cuối tháng 3, chỉ mới có vài DN trong số 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp gửi tới Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc VN, để chuẩn bị đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện. Lý do, các DN này vẫn cho rằng giá mua điện tái tạo như vậy là quá thấp, đẩy các DN đến thua lỗ, phá sản.
Như vậy 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, sẵn sàng phát điện vẫn "đắp chiếu". Trong khi đó EVN vẫn phải nhập khẩu điện với gía cao hơn!
Đó là nghịch lý của ngành điện. Nghịch lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách cam kết mạnh mẽ của chính phủ dành cho các DN sản xuất điện sạch của Chính phủ.
Cách làm của Bộ Công thương và EVN như hiện nay đã tạo ra một môi trường đầu tư đầy rủi ro cho các DN, địa phương kêu gọi đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch, làm các chủ đầu tư sẽ thua lỗ. Trong khi đó EVN kêu lỗ lớn, liên tục đòi rục rịch tăng giá điện và chấp nhận nhập khẩu điện với giá cao hơn giá điện của các DN sản xuất điện sạch trong nước!
Xem thêm: lmth.286541_uuc-uek-hcas-neid-yl-hcihgn-av-gnat-hcir-cur-neid-aig/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc