vĐồng tin tức tài chính 365

11 anh em ruột mất tình thân vì tranh mảnh đất thừa kế

2023-04-10 14:22

Sáng 3/4, trong phòng xử án số 2 TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Nam, 73 tuổi cùng 8 người em ngồi riêng một phía. Ông Dũng, 64 tuổi, và một chị gái ngồi phía đối diện. Hai bên không chuyện trò, giao tiếp.

11 người là anh em ruột, đều trú huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, đưa nhau ra toà trong vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế, mảnh đất 1.213 m2.

Nguyên đơn là ông Nam, con trưởng. Ông cho hay cha mẹ nhận chuyển nhượng và sử dụng mảnh đất trên từ một người cùng xã, năm 1962. Năm 1984, cha mẹ cho người con thứ tư là ông Dũng 138 m2 trong mảnh đất này để làm nhà riêng.

Cha mẹ mất không để lại di chúc. Năm 2020, ông Nam họp 11 anh chị em bàn xây nhà từ đường trên 1.075 m2 còn lại, cho rằng đó tài sản thừa kế chung. Ông Nam nói mình và các em đã "bất ngờ và sốc" khi ông Dũng thông báo, toàn bộ 1.213 m2 đã đứng tên ông, được huyện Thanh Thuỷ cấp sổ đỏ từ 15 năm trước (2005), trong lúc mẹ còn sống.

Ông Nam cho rằng việc em trai tự ý đứng tên tài sản khi không có văn bản bố mẹ uỷ quyền, tặng cho, cũng không qua họp bàn gia đình là trái luật. 7 anh chị em khác đã uỷ quyền cho ông Nam khởi kiện, đề nghị ông Dũng chỉ được giữ 138 m2, phần còn lại chia đều 11 người.

Là bị đơn, ông Dũng khẳng định từ năm 1992, cha đã tới UBND xã làm thủ tục cho mình cả 1.213 m2 đất. Từ đó, ông tôn tạo, xây tường bao, đóng thuế đất và sử dụng ổn định, đến năm 2005 được huyện cấp sổ đỏ lần đầu, đứng tên ông.

Ông Dũng khai, từ năm 1992, ngay sau khi cho con đất, cha mẹ đã mua khu đất khác cùng xã, sinh sống ổn định đến khi qua đời vào năm 2001 và 2015. 11 anh em đã bán khu đất này chia nhau.

Theo ông Dũng, toàn bộ di sản thừa kế đã được định đoạt xong, không ai có ý kiến gì về mảnh đất 1.213 m2 ông đang ở và đứng tên. Nay do "sốt đất", các anh chị em "bỗng dưng đòi quyền lợi", vì thế ông không chấp nhận.

Tại phiên sơ thẩm mở tháng 8/2022 tại TAND tỉnh Phú Thọ, UBND xã Hoàng Xá cho hay bản đồ năm 1987 đo vẽ thể hiện mảnh đất 1.213 m3 của cha mẹ họ chia hai thửa đánh số 24, diện tích 1.075 m2 và thửa 25, diện tích 138 m2.

Nhưng năm 1988, khi lập sổ mục kê, thửa 25 ghi ông Dũng sử dụng cả 1.213 m2. Năm 2005, ông được huyện cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích này.

"Việc sáp nhập 2 thửa không có tài liệu lưu trữ tại xã", đại diện UBND xã trả lời tại toà. Sổ đỏ cấp cho ông Dũng là lần đầu, không có giấy tờ gì lưu tại xã về việc ông được tặng cho hay thừa kế.

Trước việc TAND tỉnh Phú Thọ yêu cầu làm rõ vì sao nhập hai thửa đất làm một, đại diện xã giải thích hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông Dũng lưu trữ tại xã đã bị "thất lạc". Tuy nhiên, chính quyền xã khẳng định năm 2005, ông Dũng được cấp sổ đỏ mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hay di chúc cha mẹ để lại là "sai quy định".

Tại phiên tòa này, ông Dũng mời 6 nhân chứng là cựu cán bộ xã thời kỳ 1990. Họ cho hay, cha mẹ ông Dũng khi còn sống luôn nói về việc cho ông Dũng toàn bộ thửa đất. "Mảnh đất trước nay luôn là một thửa không rõ vì sao có sự tách, nhập như bản đồ địa chính xã thể hiện", ông Dũng khẳng định.

Là người duy nhất ủng hộ em trai, bà Lan, con thứ hai trong gia đình, xác nhận lời khai này đúng. Bà phản đối việc 9 anh chị em khác đòi chia mảnh đất ông Dũng đã sở hữu. "Nếu được chia, tôi không lấy và cho lại ông Dũng", bà nói.

Toà sơ thẩm đánh giá, việc ông Dũng được cấp sổ đỏ mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hoặc di chúc; UBND huyện không có hồ sơ về việc tách, hợp hai thửa đất và ông Dũng sau đó đứng tên toàn bộ là không đúng quy định. Do đó toà tuyên huỷ sổ đỏ đã cấp cho ông để phân chia tài sản thừa kế.

Theo bản án, ông Dũng được hưởng 138 m2 đã được cho trước đó. Hơn 1.000 m2 còn lại, được định giá 6,7 tỷ đồng, toà tuyên chia đều cho 11 người.

Không chấp nhận phán quyết này, ông Dũng kháng cáo, đề nghị huỷ bản án sơ thẩm.

Tại toà phúc thẩm hôm 3/4, ông Dũng và ông Nam nhiều lần chất vấn nhau về nguồn gốc mảnh đất, và quyền sở hữu từ giếng nước, cây mít, đến cây sung, cây khế... Không khí phiên xử bắt đầu gay gắt.

Chủ toạ Nguyễn Xuân Phách nhắc nhở những người tham gia tố tụng có thể trả lời hoặc không, song cần giữ thái độ chuẩn mực, ôn hoà, tôn trọng quy tắc phòng xét xử.

Sau khoảng 30 phút hỏi đáp, ông Dũng ôm ngực, giơ tay ra hiệu xin HĐXX cho tạm dừng. Ông thừa nhận dễ xúc động, bức xúc, bị huyết áp cao, xin ra ngoài uống thuốc và trấn tĩnh.

Chủ toạ, thẩm phán Nguyễn Xuân Phách nói "rất đau lòng" khi xét xử vụ kiện giữa anh chị em ruột. "Các ông bà đều đã trên 70 tuổi, từng trải qua cả một cuộc đời gian khổ, nghèo khó với nhau rất hoà thuận. Nay sao không ngồi lại bàn bạc? Tố nhau ra toà rất không hay, vừa mất tình thân, lại ảnh hưởng sức khoẻ", thẩm phán khuyên giải.

Trả lời thẩm vấn HĐXX, bà Lan cho hay đôi bên đã nhiều lần thoả thuận. Ông Dũng từng chấp nhận lấy một nửa khu đất, khoảng 600 m2. Toàn bộ diện tích còn lại, theo đúng nguyện vọng anh em, sẽ để xây nhà từ đường. "Theo tôi, 600 m2 xây nhà thờ tổ tiên là quá thoải mái. Nhưng phía ông Nam không chịu", bà Lan nói.

Sau khoảng 30 phút nghỉ ngơi, ông Dũng trở lại phòng xét xử. Chủ toạ hỏi thăm sức khoẻ ông và tiếp tục khuyến khích đôi bên hoà giải theo hướng chia đôi mảnh đất như phương án trước đó. "Mục đích xây nhà thờ là để tưởng nhớ tổ tiên, đoàn kết con cháu. Nhưng chỉ vì nó mất tình anh em, có đáng không? Anh em kiện nhau đã là thua cả hai bên rồi", HĐXX phân tích.

Trên bàn nguyên đơn, bị đơn, hai ông lão đầu bạc trắng, ngồi im lặng, suy nghĩ. Chủ toạ nói TAND cấp cao tại Hà Nội từng xét xử nhiều vụ kiện chia tài sản thừa kế giữa người nhà. Dù trước đó tranh luận căng thẳng nhưng khi nghe phân tích, các đương sự đều nhận ra, hoà giải là phương án tốt nhất "các thế hệ sau cũng dễ sống với nhau hơn".

"HĐXX hỏi ông Dũng trước, ông có đồng ý hoà giải không?". Ông Dũng dừng khoảng 10 giây, đáp: "Tôi từ đầu luôn muốn hoà giải, nhưng rõ ràng anh tôi muốn hơn thua vì thấy đất lên giá. Giờ đã quá muộn để hoà giải. Tôi không hoà giải. Tôi quyết kiện đến cùng". Anh trai ông cũng nêu quan điểm "theo tới cùng".

Luật sư của ông Dũng sau đó đưa ra tài liệu về việc từ năm 2006, ông Dũng dùng sổ đỏ thế chấp, vay vốn ngân hàng. Phía ông Nam cáo buộc em trai thế chấp mảnh đất này sau khi bị ông phát giác chứ không phải từ 2006, là hành vi "tẩu tán tài sản".

Trước tình tiết phát sinh này, đại diện VKS cho rằng cần làm rõ thời điểm ông Dũng ký hợp đồng thế chấp, cần triệu tập cả đại diện ngân hàng tới phiên tố tụng.

HĐXX tuyên bố hoãn phiên toà để xác minh.

*Tên các đương sự đã thay đổi

Thanh Lam

Xem thêm: lmth.3258854-ek-auht-tad-hnam-hnart-iv-naht-hnit-tam-tour-me-hna-11/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“11 anh em ruột mất tình thân vì tranh mảnh đất thừa kế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools