Lãnh đạo UBND các tỉnh, sở NN&PTNT các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đã nhiều lần yêu cầu các địa phương tuyên truyền để người dân có phương án phát triển bền vững sản xuất những loại cây trồng có tính chất chủ lực.
Người dân huyện Krông Pắk thu hoạch sầu riêng. Ảnh: VŨ LONG |
Không còn mặn mà với cây chủ lực một thời
Một lãnh đạo UBND xã Ea Yông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), xác nhận xã đã được cấp 22 mã vùng trồng cây sầu riêng, với diện tích khoảng gần 600 ha. Số diện tích trồng cây này vẫn không ngừng gia tăng.
“Người dân nhổ cây cà phê vì cây này không hiệu quả về kinh tế nữa. Thực tế, mỗi ha cà phê chỉ mang lại năng suất từ 2 đến 2,5 tấn. Tương đương với doanh thu dưới 100 triệu đồng, trong khi chưa trừ chi phí phân bón, nhân công. Trong khi, chừng đó diện tích trồng sầu riêng có thể mang lại nguồn thu rất cao, khoảng 1 tỉ đồng/ha.
Nông dân huyện Krông Pắk mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng. Ảnh: TL |
Thời gian qua, xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền để người dân không ồ ạt chặt cây cà phê, nhưng lại mâu thuẫn với lợi nhuận. Vì vậy, người dân thấy hiệu quả kinh tế từ cây nào thì họ làm. Theo tôi tỉnh nên có một chiến lược, quy hoạch rõ ràng. Như bài học phá cà phê để trồng hồ tiêu vẫn còn nguyên giá trị”, vị lãnh đạo UBND xã Ea Yông thông tin.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk năm 2022, toàn tỉnh có hơn 15.100 ha trồng cây sầu riêng (chiếm 17,6% diện tích cả nước), với sản lượng khoảng 170.000 tấn. Hiện nay, con số này tăng lên hơn 22.400 ha và gần 188.000 tấn.
Giá trị sầu riêng mang lại rất cao khiến nông dân không còn mặn mà với cây cà phê. Ảnh: AX |
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở đã yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông.
“Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng, các địa phương cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây trồng” - vị lãnh đạo này nói.
Vỡ quy hoạch
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, quy hoạch phát triển sầu riêng tại tỉnh này đến năm 2025 là 5.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 6.100 ha sầu riêng, trong đó, hơn 2.000 ha đang cho thu hoạch; sản lượng đạt hơn 22.000 tấn. Thực tế, con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Nhiều hộ dân giàu lên nhờ trồng cây sầu riêng. Ảnh: VŨ LONG |
Ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho hay với tình trạng phát triển sầu riêng ồ ạt sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Trong đó, lo ngại nhất là phá vỡ quy hoạch, sản xuất thiếu bền vững. Vì vậy, người nông dân cũng phải đối mặt với những rủi ro như cung vượt quá cầu, mất giá, ách tắc đầu ra sản phẩm...
Còn lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc sầu riêng phát triển ồ ạt là do giá bán rất cao và tâm lý nóng vội của người dân.
Để phát triển bền vững cây trồng mới này, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự chuyển đổi vườn cà phê xen sầu riêng, hồ tiêu ở địa phương có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Tổ chức thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn về cấp mã vùng trồng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ cơ sở, hộ gia đình sản xuất..
Bùng phát trồng chanh leo trên diện rộng
Tại Gia Lai thời gian gần đây bùng phát trồng chanh leo trên diện rộng, thậm chí nhiều hộ dân đã chặt phá cà phê để trồng chanh leo hoặc trồng xen canh trên diện tích sẵn có.
Người dân ở huyện Chư Pah, Gia Lai nhổ cà phê trồng chanh dây. Ảnh: HĐ |
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi, nước ép hoa quả của tỉnh ước đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Thị trường xuất khẩu mở rộng, đặc biệt là các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Trung quốc.
Huyện Chư Păh là một trong địa phương có diện tích cây chanh leo tăng nhanh chóng, giai đoạn 2016-2017 chỉ có vài chục ha, nay tăng lên 500 ha. Chỉ riêng trong năm 2023, toàn huyện tăng hơn 300 ha chanh leo, chủ yếu diện tích tăng lên này từ việc phá bỏ hoặc trồng xen canh trên diện tích cà phê.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Păh, cho biết năm nay trên địa bàn huyện phát sinh mới khoảng 300 ha (toàn huyện 500 ha) chanh leo, trong đó chủ yếu từ tái canh và xen canh trên diện tích cà phê già cỗi. Tất cả diện tích này toàn là diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, không có tình trạng phá bỏ cà phê đang kinh doanh hiệu quả.
“Huyện xác định, cà phê vẫn là cây chủ lực, phát triển bền vững, tạo nên thương hiệu ổn định lâu dài. Các loại cây khác, lên xuống thất thường như cây tiêu, cau... cũng là một bài học đáng nhớ. Chúng tôi chỉ khuyến cáo người dân, chứ không cấm, vì họ là người làm chủ trên mảnh vườn của mình” – ông Văn cho hay.
Nông dân không còn mặn mà với cây cà phê, nên đã nhổ bỏ cây này. Ảnh: HĐ |
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết toàn tỉnh có 5.000 ha chanh leo. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu phát triển khoảng 20.000 ha, đến năm 2030 khoảng 30.000 ha chanh leo. Sản lượng cây này mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 công suất của các nhà máy chế biến.
Cây cà phê sau khi bị đốn hạ ở huyện Chư Pah. Ảnh: LK |
Còn ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, rằng cây chanh dây có hiệu quả kinh tế cao hơn những cây khác.
Xuất phát từ lợi nhuận do cây chanh dây mang lại, tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho loại cây này phát triển một cách bền vững.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết sau khi sầu riêng và một số loại nông sản, trái cây được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, nhiều người đổ xô vào trồng. Việc phát triển quá nóng không theo quy hoạch, định hướng đã và sẽ tiếp tục gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân người trồng lẫn nền kinh tế.
Đối với khu vực Tây Nguyên, theo ông Cường trước đây việc trồng sầu riêng khá hiệu quả và bền vững khi người dân trồng sầu riêng xen lẫn cà phê, hồ tiêu. Thế nhưng, hiện người dân lại đang có xu hướng chặt bỏ cây cà phê và hồ tiêu để biến thành những vườn sầu riêng thuần với mong muốn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Vì theo yêu cầu của nước nhập khẩu, họ chỉ cấp mã số vùng trồng cho những vườn sầu riêng thuần.