Trong số các tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trên mạng, một tài liệu tình báo mật do The New York Times thu thập được cho thấy Mỹ đã tiên liệu và lên kế hoạch dự phòng cho những tình huống bất ngờ về cuộc chiến Nga-Ukraine.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) vạch ra bốn viễn cảnh xấu nhất và cách mà những sự kiện này ảnh hưởng đến diễn biến của xung đột ở Ukraine.
Theo đó, các tình huống giả định này gồm viễn cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky qua đời, việc loại bỏ lãnh đạo trong Lực lượng Vũ trang Nga cũng như một cuộc tấn công của Ukraine vào Điện Kremlin.
Các tài liệu này cho rằng cuộc chiến có thể sẽ kéo dài, đồng thời phân tích mỗi viễn cảnh bất ngờ đó có khả năng dẫn đến sự leo thang ở Ukraine hay không, hay sẽ mang lại một kết thúc xung đột bằng đàm phán hoặc không có tác động đáng kể đến quỹ đạo của cuộc chiến.
Trụ sở Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) tại thủ đô Washington, D.C (Mỹ). Ảnh: AP |
Một trong bốn kịch bản giả định là những gì có thể xảy ra nếu Ukraine tấn công vào Điện Kremlin.
Tình huống thứ nhất, sự kiện này có thể dẫn đến căng thẳng leo thang, với việc công chúng Nga phẫn nộ và ông Putin sẽ đáp lại thái độ của công chúng bằng cách phát động một cuộc tổng động viên quân sự quy mô lớn và cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Tình huống thứ hai là công chúng cảm thấy sợ hãi và điều này có thể khiến ông Putin thương lượng để giải quyết chiến tranh.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt lo lắng về một cuộc tấn công có thể của Ukraine vào Moscow, vì một cuộc tấn công như vậy có thể khiến Nga leo thang căng thẳng. Sự nguy hiểm của cuộc tấn công tiềm tàng đó là một lý do khiến Mỹ miễn cưỡng cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Các cơ quan tình báo thường đưa ra những đánh giá về điều có khả năng xảy ra nhất của một sự kiện nhất định, nhưng tài liệu về các kịch bản dự phòng này thì không. Tài liệu chỉ đơn thuần mô tả các tình huống có thể xảy ra mà không đánh giá khả năng nào có thể xảy ra nhất.
Các quan chức Mỹ từ chối cho biết liệu tài liệu này có phải là thật hay không, nhưng cũng không tranh cãi về tính xác thực của nó. Tài liệu này tương tự như những tài liệu khác do ban tham mưu chung của Lầu Năm Góc đưa ra mà nhiều quan chức Mỹ đã thừa nhận là có thật.
Những tài liệu này được đánh dấu là “RELIDO”, tức là quyết định tiết lộ thông tin, chẳng hạn như cho các đối tác nước ngoài, thuộc về một số quan chức cấp cao nhất định. Các tài liệu được đề ngày 24-2 và được dán nhãn “một năm”, cho thấy phía Mỹ đã phân tích tình hình 1 năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.
Tài liệu vạch ra những kịch bản tương lai là một sản phẩm điển hình do các cơ quan tình báo tạo ra. Nó được đưa ra nhằm giúp các sĩ quan quân đội, nhà hoạch định chính sách hoặc nhà lập pháp tính đến những kết quả có thể xảy ra khi chọn đi nước cờ nào.