Theo Nghiên cứu về nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng mới nhất từ gã khổng lồ thanh toán toàn cầu Visa, khoảng 67% dân số của Indonesia sẵn sàng từ bỏ tiền mặt. Cuộc khảo sát, với khoảng 1.000 người tiêu dùng ở Indonesia diễn ra vào năm ngoái cho thấy xu hướng bị chi phối bởi thế hệ trẻ, Thế hệ Z, tiếp theo là Thế hệ Y và phân khúc giàu có. Ví điện tử và mã QR đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất ở quốc gia này với tỷ lệ sử dụng là 93%. Các hình thức thanh toán này được áp dụng trong hầu hết các dịch vụ như gọi xe, giải trí, mua hàng, bán lẻ và thanh toán hóa đơn… Sau ví điện tử và mã QR, phương thức thanh toán được sử dụng nhiều nhất tiếp theo là thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ với tỷ lệ sử dụng là 80%.
Cuộc khảo sát cũng đề cập đến các lợi ích ngoài thanh toán. Kết quả cho thấy khoảng 80% số người được hỏi có kế hoạch tăng tiền tiết kiệm để chuẩn bị cho những thách thức tài chính sắp tới sau đại dịch. Theo các chuyên gia, sự dễ dàng và thoải mái của hệ thống thanh toán kỹ thuật số cho phép người dân theo dõi chi tiêu và quản lý ngân sách của họ. Do đó, hiểu biết về tài chính cũng được cải thiện. Một yếu tố thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt là sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương trong lĩnh vực công nghệ với việc cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết.
Là một phần của Kế hoạch chi tiết về hệ thống thanh toán Indonesia 2025 (BSPI), Ngân hàng Indonesia (BI) đã ra mắt Mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) vào tháng 5 năm 2019 và nền tảng thanh toán kỹ thuật số BI-FAST vào tháng 12/2021. Để tăng mức độ sử dụng, các ngân hàng trung ương Indonesia đang mở rộng ngoài biên giới quốc gia. QRIS và BI-FAST hiện đã có ở Thái Lan và dự kiến sẽ sớm được triển khai ở các quốc gia khác như Malaysia, Singapore và Philippines.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid nhấn mạnh những lợi ích của việc triển khai hệ thống mã QR trong ASEAN: "Các giao dịch được thực hiện thông qua Hệ thống QR ASEAN sẽ sử dụng đồng nội tệ. Nếu một giao dịch được thực hiện ở Indonesia, nó sẽ sử dụng đồng rupiah và tương tự như ở Việt Nam hay Thái Lan sử dụng đồng nội tệ của các nước này. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chỉ với QR CODE ASEAN và đồng nội tệ có thể thực hiện thanh toán. Do đó các giao dịch giữa các doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Ngoài ra sử dụng mã QR ASEAN cũng giúp giảm chi phí khi chúng ta không mất chi phí đổi ngoại tệ. Do đó việc giảm chi phí cho các doanh nghiệp siêu nhỏ nhỏ và vừa rất quan trọng. Hệ thống cũng tạo các điều kiện thuận lợi trong việc thanh toán cũng như tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực ASEAN”.
Các ngân hàng thông thường, ngân hàng kỹ thuật số cũng như những các ứng dụng điện tử GoPay, OVO, ShopeePay, Dana và LinkAja cũng đẩy mạnh việc tham gia vào cơ sở hạ tầng mới và cung cấp dịch vụ cho khách hàng tương ứng.
Năm ngoái, BI đã công bố giá trị giao dịch qua QRIS tăng hơn gấp ba lần lên 100.000 tỷ IDR (6,7 tỷ USD). Trong khi đó, các giao dịch tiền điện tử tổng thể đã tăng giá trị 31% lên gần 400.000 tỷ IDR vào năm 2022 và dự kiến sẽ lên tới 495.200 tỷ IDR trong năm nay.