Tờ South China Morning Post ngày 12-4 đưa tin Sri Lanka đang tính xuất khẩu 10.000 con khỉ có nguy cơ tuyệt chủng cho Trung Quốc (TQ), làm dấy lên lo ngại đối với các nhà bảo tồn.
Sri Lanka đang cân nhắc xuất khẩu 10.000 con khỉ macaque cho Trung Quốc. Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Khỉ macaque là loài đặc hữu của Sri Lanka, phổ biến nhất ở quốc đảo này và được phân biệt với các loài khỉ khác ở hình dạng của kiểu tóc toque. Tuy nhiên Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp loài khỉ này vào sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng.
Sri Lanka cấm gần như tất cả hoạt động xuất khẩu động vật sống, song đề xuất về việc bán 10.000 con khỉ macaque được đưa ra trong bối cảnh nước này đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ chưa từng có.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mahinda Amaraweera nói rằng đã có đề nghị bán những con khỉ macaque cho hơn 1.000 vườn thú trên khắp Trung Quốc và ông cho biết “đã chỉ định một ủy ban để nghiên cứu yêu cầu và xem xét cách thức làm điều này”.
Khỉ được coi là loài gây hại ở Sri Lanka vì chúng phá hoại mùa màng và tấn công các ngôi làng để tìm kiếm thức ăn và thỉnh thoảng cũng tấn công người dân.
Sri Lanka đã loại bỏ một số loài khỏi danh sách được quốc gia bảo vệ trong năm nay, bao gồm ba loài khỉ cũng như công và lợn rừng.
Tổ chức Môi trường, một nhóm bảo vệ quyền động vật của Sri Lanka, đã chỉ trích việc xem xét xuất khẩu khỉ, nói rằng trong 40 năm qua chưa có một khảo sát toàn quốc về loài khỉ ở đảo quốc này, do đó việc thống kê số lượng khỉ nên cần thực hiện trước tiên.
“Chúng tôi muốn biết tại sao họ muốn có nhiều khỉ như vậy, cho dù đó là để lấy thịt, nghiên cứu y học hay một số mục đích khác” - ông Jagath Gunawardana, cố vấn của tổ chức Môi trường cho hay.
“Khỉ không phải là loài được bảo vệ ở Sri Lanka, nhưng chúng nằm trong sách đỏ về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng” - ông nói thêm.
Hiện chưa có bình luận từ IUCN về vấn đề trên.
Ước tính có khoảng hai đến ba triệu khỉ macaque ở Sri Lanka.