"Gấp, gấp, gấp: Con trai 2 tuổi chỉ có thể sống 6 tháng nếu không được điều trị ung thư máu", "Xót xa cậu bé 9 tuổi oằn mình chống lại căn bệnh hiếm", "Nguy cấp, cứu bé trai 5 tháng tuổi bị teo đường mật…". Đó là những bài viết giật tít thê lương về hoàn cảnh các bệnh nhi trên website https://www.deeda.care/vn của Công ty TNHH Deeda Việt Nam.
Nhưng các câu chuyện được tô vẽ quá đà để đánh vào lòng trắc ẩn của những nhà hảo tâm. Vì thế nhiều bệnh viện và bệnh nhân bức xúc đặt nghi vấn về hoạt động kêu gọi gây quỹ của Công ty TNHH Deeda Việt Nam (gọi tắt Deeda, trụ sở chính tại quận Bình Thạnh, TP.HCM). Họ cho rằng đây là hình thức kinh doanh trên nỗi đau người bệnh.
Phóng viên Tuổi Trẻ vào cuộc điều tra.
Quyên góp 250 triệu đồng, chuyển 150 triệu đồng
Đầu tháng 2-2023, trên website của Deeda đăng dòng trạng thái "Cảm ơn tấm lòng của bạn, chiến dịch này đã đạt được mục tiêu gây quỹ". "Chiến dịch" mà Deeda đề cập là gây quỹ cho bé N.T.M.A. (ngụ quận Bình Thạnh) mổ tim tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Mở màn chiến dịch, từ nhiều tháng trước những người tự xưng "cố vấn gây quỹ" của Deeda tiếp cận gia đình bé A., sau đó cho đăng tải bài viết tựa đề: "Xin hãy giúp bé M.A. hai tháng tuổi đang cần chi phí phẫu thuật tim".
Bài viết chèn 9 hình ảnh, có 4 hình chụp các loại giấy tờ mô tả bệnh, đơn thuốc, đơn giá giải mã gene và hóa đơn thanh toán viện phí. Các hình còn lại là cảnh bé A. nằm ngủ trong bệnh viện, rất thương tâm.
Câu chuyện bi kịch của bé M.A. được chạy quảng cáo, đã chạm đến trái tim của nhiều nhà hảo tâm quyên góp cho bé.
Trong danh sách quyên góp chúng tôi thấy có người ủng hộ 15 triệu đồng nhưng cũng có nhiều bà con gửi 10.000 đồng, 20.000 đồng như một tấm lòng thơm thảo kèm lời nhắn nhủ: "Của ít lòng nhiều, cầu cho con được chữa khỏi".
Theo công bố của Deeda, tính đến khi chấm dứt "chiến dịch" đã có 1.413 nhà hảo tâm ủng hộ cho bé A., với tổng số tiền 250.219.655 đồng.
Sau đó, Deeda thông báo rút tiền 4 lần, tất cả đều được chuyển đến cho chị T.T.T.T. (23 tuổi, mẹ của bé A.). Cụ thể: lần 1 ngày 27-5-2022, Deeda rút số tiền 18.750.250 đồng; lần 2 ngày 15-6-2022, rút 83.917.850 đồng; lần 3 ngày 5-7-2022, rút 93.760.555 đồng và lần cuối vào ngày 16-2-2023, rút số tiền 53.845.000 đồng.
Để kiểm chứng số tiền chị T. nhận được có đúng với số tiền Deeda đã rút, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (Bình Chánh), nơi bé A. chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật nang ruột đôi, tinh hoàn ẩn và thoát vị bẹn.
Sự thật bất ngờ, số tiền chị T. nhận được không giống như Deeda công bố, tùy đợt bị "cắt" từ 10-54%. Cụ thể lần 1 nhận được 15.562.009 đồng (cắt khoảng 17%), lần 2 được 53.754.591 đồng (cắt khoảng 36%), lần 3 được 42.741.400 đồng (cắt khoảng 54%) và lần cuối nhận được 41.526.850 đồng (cắt khoảng 23%).
Như vậy, tổng số tiền chị T. nhận qua 4 đợt chỉ vào khoảng 153 triệu đồng, trong khi số tiền ủng hộ được niêm yết trên 250 triệu đồng, tức bị Deeda cắt gần 39%. Dù vậy trang web công ty này vẫn ghi chị T. là người thụ hưởng toàn bộ số tiền này. Đáng chú ý, đây cũng là ca bệnh được hưởng bảo hiểm y tế toàn phần ở Bệnh viện Nhi đồng 2, tổng chi phí điều trị trên 200 triệu đồng nhưng gia đình chỉ phải trả hơn 18 triệu đồng.
"Tôi thắc mắc tại sao số tiền nhận được không giống với số tiền thông báo, cố vấn gây quỹ trả lời trừ tiền quảng cáo. Lần nào tôi cũng bị trừ tiền, số tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền công khai trên trang web. Buồn lắm nhưng tôi không dám phản ứng, bởi rơi vào thế cùng ai giúp được gì đều quý cả" - chị T. buồn rầu nói.
Ngày 10-4, bài viết về bé M.A. rơi vào trạng thái "page not found", tức không còn tìm thấy nội dung trên trang web của Deeda.
Kêu gọi cho... người chết
Trên website https://www.deeda.care/vn còn cho thấy có rất nhiều ca bệnh đang điều trị tại các bệnh viện cả nước. Tại TP.HCM nhiều nhất ở các bệnh viện Nhi đồng 2, Nhi đồng 1, Nhi đồng thành phố, Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, Ung bướu, Truyền máu - Huyết học. Ở Hà Nội có các bệnh viện Nhi trung ương, Châm cứu trung ương, Việt Đức và Bạch Mai.
Miễn có bệnh nhân đồng ý, mục tiêu kêu gọi gây quỹ của Deeda có ca từ 300-500 triệu đồng. Trong đó, có nhiều ca đã được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 80-100%, hoặc đã được phòng công tác xã hội của bệnh viện hỗ trợ. Đáng nói, có ca Deeda kêu gọi quyên góp cho cả... người đã chết.
Để xác minh số tiền mà bệnh nhân bị "ăn chặn", chúng tôi sàng lọc từ hơn 1.000 chiến dịch của Deeda. Có chiến dịch gây quỹ cao nhất 400 triệu đồng, thấp nhất 0 đồng. Trong số này, chúng tôi tìm gặp trên 30 ca, tất cả đều cho thấy sau khi kết thúc chiến dịch gây quỹ họ đều bị "cắt" từ 10% đến 50% số tiền quyên góp được.
Chúng tôi tiếp tục sàng lọc ngẫu nhiên danh sách 8 bệnh nhi chuyển cho Bệnh viện Nhi đồng 2 kiểm tra. Kết quả cũng khá bất ngờ, có đến 6 ca được hưởng 100% bảo hiểm y tế, chỉ có 2 ca hưởng 80% chi phí bảo hiểm y tế.
Cụ thể bé N.P.H. (sinh năm 2021, quê Cần Thơ) bị dị dạng hộp sọ được bảo hiểm y tế chi trả 100%, chỉ đóng phí hơn 3 triệu, thế nhưng Deeda lại mở chiến dịch kêu gọi 100 triệu đồng. Trong bài viết về bé, Deeda còn nhấn mạnh: "Phẫu thuật tạo hình hộp sọ thuộc về thẩm mỹ không được bảo hiểm chi trả, với số tiền lên đến 100 triệu đồng, mẹ bé dù muốn cũng chưa thể cho con phẫu thuật được".
Còn bé N.T.V. (10 tuổi, quê Bình Định) bị bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính được bảo hiểm y tế thanh toán 80%, song Deeda đặt mục tiêu kêu gọi đến 150 triệu đồng. Tính đến ngày 10-4, số tiền kêu gọi của ca này đã đạt gần 90 triệu đồng của 254 người quyên góp.
Bé N.V.H. (sinh năm 2022, quê Quảng Ngãi) được bảo hiểm y tế chi trả 100%, số tiền phải trả viện phí chỉ... vài trăm ngàn đồng, nhưng Deeda kêu gọi quyên góp 100 triệu đồng. Tính đến ngày 10-4, đã có 359 người quyên góp cho trường hợp bé H. trên 40 triệu đồng.
"Đa số các bệnh nhân này ngoài được bảo hiểm y tế chi trả, đều được phòng công tác xã hội hỗ trợ một phần, hoặc nếu khó khăn còn thiếu bao nhiêu tiền sẽ được duyệt chi khi ra viện" - bà Nguyễn Thị Lan Phương, phó trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 2, nói.
Mới đây nhất, Deeda cho đăng tải hoàn cảnh của bệnh nhân T.T.M.D. (55 tuổi, ngụ TP.HCM), mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Mục tiêu Deeda kêu gọi quyên góp là 50 triệu đồng.
Theo dõi đến đầu tháng 2-2023, "chiến dịch" này chưa có dấu hiệu kết thúc, dù bệnh nhân đã qua đời ngày 5-12-2022, sau 9 ngày điều trị. Chi phí điều trị khoảng 9,5 triệu đồng, được bảo hiểm y tế thanh toán 95%, phần còn lại khoảng 500.000 đồng đã được bệnh viện hỗ trợ.
Bà Lê Hồng Diễm - trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khẳng định các trường hợp bệnh nhân được đăng tải kêu gọi quyên góp trên trang của Deeda hoàn toàn không thông qua bệnh viện.
* Ông Trần Trường Sơn (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM):
100% tiền ủng hộ phải đến tay người thụ hưởng
Tôi thấy chưa quy định nào cho phép một doanh nghiệp tư nhân hoạt động xã hội theo hình thức gây quỹ và có thu phí cả. Và nếu có thu phí ở hình thức nào đi chăng nữa thì số tiền quyên góp, ủng hộ được cần phải chuyển cho người thụ hưởng tuyệt đối 100%. Không có chuyện thỏa thuận gây quỹ được 100%, giữ lại 50%, điều này nếu xét về phạm trù đạo đức sai hoàn toàn rồi.
Tôi đề nghị cơ quan quản lý cần phải vào cuộc điều tra xác minh và quyết liệt xử lý, tránh tạo ra tiền lệ xấu cho các cá nhân, tổ chức có ý đồ lạm dụng gây quỹ trục lợi.
Công ty lập trình máy tính chủ yếu kêu gọi... từ thiện
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp ngày 5-8-2022, Công ty TNHH Deeda Việt Nam chỉ là một dự án đầu tư của Công ty Waterdrop International PTE.LTD có địa chỉ tại Singapore, thành lập năm 2019, đại diện pháp luật là ông Xiao Xin (38 tuổi, quốc tịch Singapore).
Tại Việt Nam, trụ sở chính của công ty này tại địa chỉ 49L Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM; có vốn điều lệ trên 227 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn có hai văn phòng làm việc tại TP.HCM và Hà Nội.
Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Deeda đăng ký bốn ngành nghề kinh doanh, gồm: lập trình máy vi tính; tư vấn và quản trị hệ thống máy tính; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khách liên quan đến máy tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
Tuy vậy, Deeda lại giới thiệu là một nền tảng công nghệ gây quỹ trực tuyến, sử dụng "sức mạnh công nghệ" cung cấp cách gây quỹ liền mạch bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau từ y tế, phúc lợi động vật, giáo dục cho đến hỗ trợ vật chất.
Công ty này cho biết đang có mặt tại Singapore, Việt Nam và Thái Lan, và trong mỗi chiến dịch đều gắn với slogan: "Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt cho ít nhất một mảnh đời bất hạnh".
Tôi thấy họ không trung thực!
Ngoài người bệnh, mục tiêu mà Deeda hướng tới đó là các tổ chức thiện nguyện. Đầu tháng 2-2023, Deeda công bố hàng loạt đối tác gây quỹ, trong đó có câu lạc bộ Vì sức khỏe cộng đồng (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM). Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, đối tác này biến mất khỏi website https://www.deeda.care/vn.
Theo tìm hiểu, câu lạc bộ Vì sức khỏe cộng đồng chỉ là một trong nhiều "đối tác chiến lược" mà Deeda nhắm tới. So với công bố là 57, trên website của Deeda hiện đang công khai 12 đối tác, chủ yếu là các quỹ, cơ sở bảo trợ, tổ chức phi lợi nhuận.
Với mục tiêu này, từ cuối tháng 7-2021 Deeda kết nối với bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan - chủ nhiệm câu lạc bộ Vì sức khỏe cộng đồng, mục đích vận động quyên góp tiền mua thuốc cho các chuyến khám bệnh từ thiện. "Được một người giúp đỡ không điều kiện, lòng tôi rất vui và không nghi ngờ nên sẵn sàng làm theo những gì cô ấy yêu cầu" - bác sĩ Loan nói.
Tổ chức Deeda sau đó được câu lạc bộ "bật đèn xanh" cùng tham gia đi khám bệnh từ thiện tại tỉnh Tiền Giang. Sau chuyến đi này, Deeda viết bài, kèm theo hình ảnh đăng tải kêu gọi hỗ trợ tiền mua thuốc. "Tôi cảm thấy họ không trung thực và sẽ không làm việc với người không trung thực" - bác sĩ Loan nói lý do không còn hợp tác với Deeda.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Trường Sơn - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - khẳng định đã yêu cầu câu lạc bộ Vì sức khỏe cộng đồng làm giải trình và chấm dứt ngay mọi hoạt động kêu gọi gây quỹ với Deeda.
Ấm ức nhưng đành chịu
Phóng viên Tuổi Trẻ đã đi tìm gặp nhiều gia đình bệnh nhân được Deeda gây quỹ, nhiều người tỏ ra ấm ức vì bị trừ số tiền quyên góp quá lớn nhưng đành chấp nhận.
Chẳng hạn như trường hợp bé K.H. (4 tuổi, Tây Ninh) mắc chứng Sarcoma, một dạng ung thư hiếm gặp. Ung thư chuyển sang giai đoạn 3 khiến bé H. gầy trơ xương, bụng phình to, chưa kể còn phải liên tục hóa xạ trị đau đớn. Dù được bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị nhưng với tiền công phụ hồ, cạo mủ cao su ít ỏi của ba mẹ vẫn không kham nổi các khoản chi phí phát sinh cho bé H..
Theo chị N.T.T. (32 tuổi, mẹ bé), vào khoảng tháng 8-2022, một phụ nữ giới thiệu là "cố vấn gây quỹ cao cấp" của Deeda đến tận giường bệnh ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1) hỏi thăm và gợi ý giúp đỡ bằng cách đăng bài kêu gọi hỗ trợ.
Đang trong lúc bí bách, chị T. bảo không còn cách nào khác là cho người này chụp hồ sơ bệnh án, đăng bài viết kèm ảnh của con lên mạng. "Đổi lại gia đình tôi phải trả 49% chi phí chạy quảng cáo cho bài viết trong tổng số tiền nhận được" - chị T. buồn rầu nói.
Chỉ sau thời gian ngắn đăng tải, bé H. được ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Dữ liệu trên trang Deeda cho thấy mẹ bé là người thụ hưởng, có ba lần yêu cầu rút tiền, lần lượt 65, 20 và 14,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chị T. khẳng định số tiền mình nhận được thực tế chỉ 51 triệu đồng.
Chị khẳng định: "Tôi được Deeda chuyển khoản 3 lần khoảng 51 triệu đồng, mỗi lần rút tiền là phải trừ đi khoảng 49% chi phí quảng cáo. Dù biết chi phí hơi cao nhưng cũng không dám thắc mắc vì đang rất cần tiền lo cho con".
Một trường hợp khác là bé H.T. (quê Hà Tĩnh) mắc dị tật bẩm sinh, đã hai lần bị bỏ rơi. Bé đang được một mái ấm ở Hà Nội cưu mang, chăm lo điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội). Lúc này, Deeda đã kêu gọi số tiền lên tới 300 triệu đồng cho bé.
"Số tiền được nhận công khai trên website là hơn 300 triệu đồng, thực tế chúng tôi chỉ nhận được khoảng 160 triệu đồng. Tôi rất bất ngờ vì chuyện này" - bà B., người đại diện chăm sóc bé, khẳng định. Sau "chiến dịch thành công", Deeda còn đề nghị gây quỹ cho mái ấm nhưng bà từ chối.
Bà nói: "Chúng tôi cũng làm công việc thiện nguyện, khi số tiền thực nhận không giống như họ công khai trên mạng chắc chắn nhiều người sẽ đặt câu hỏi. Tôi rất sợ điều đó".
Trong số hàng trăm bệnh nhân được Deeda đăng tải, còn có trường hợp bé N.B.A. (sinh năm 2022, ngụ tỉnh Cao Bằng). Bé sinh non, suy hô hấp và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị từ tháng 11-2022.
Một tháng sau, bé được Deeda đặt mục tiêu gây quỹ đến 100 triệu đồng. Đại diện phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai khẳng định chưa từng giới thiệu hay kết nối với Deeda gây quỹ cho bệnh nhân, ca bệnh này cũng đã được chuyển về bệnh viện tuyến dưới điều trị.
"Bé N.B.A. được hưởng 100% bảo hiểm y tế, tổng số tiền bảo hiểm y tế chi trả trên 194 triệu đồng, chi phí phát sinh gia đình phải đóng chỉ còn khoảng 20 triệu đồng. Trong đó, phòng công tác xã hội đã hỗ trợ 8 lần với số tiền gần 7 triệu đồng" - đại diện phòng công tác xã hội nói. Và cũng giống như các bệnh nhân khác, số tiền chị T.T.Q. (mẹ bé) nhận được chỉ hơn 60 triệu đồng, tức bị Deeda "cắt" gần 40% số tiền từ quyên góp của nhà hảo tâm...
Lộ thông tin bệnh án
Hầu hết các bài viết kêu gọi gây quỹ của Deeda đều chứa đựng rất nhiều thông tin của người bệnh. Không chỉ hình ảnh đau thương, các thông tin trong hồ sơ bệnh án như tên tuổi, năm sinh, quê quán, số điện thoại; các kết quả xét nghiệm, phiếu khám bệnh, bảng kê chi phí, phiếu theo dõi và điều trị, phiếu tạm ứng viện phí của bệnh nhân đều được Deeda "tung" lên mạng.
(Còn tiếp...)
Chiều nay 8-4, Cục Thuế TP.HCM phát đi cảnh báo về việc giả mạo công chức cơ quan thuế hướng dẫn và cung cấp đường dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo nhằm mục đích lừa đảo.
Xem thêm: mth.57473500131403202-gnoh-aoh-yal-neiht-ut-iog-uek-art-ueid/nv.ertiout