vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ án thi thể người mẫu giấu 4 năm trong nhà đại gia

2023-04-14 03:27

Ngày 25/8/1999, một chủ hộ ở tầng 14 trong tòa nhà Wah Tak, trên đường Waterloo ở khu Yau Ma Tei, phàn nàn về việc rò rỉ nước từ căn hộ trên tầng 15. Căn hộ này là một trong những tài sản thuộc sở hữu của Phương Mạn Sinh, sinh năm 1939, là luật sư thuộc gia đình giàu có và quyền lực ở Hong Kong. Ông Sinh còn là anh của bà Trần Phương An Sinh (Anson Chan), phó lãnh đạo chính quyền đặc khu Hong Kong và thành viên hội đồng lập pháp.

Tháng 10/1999, ông Sinh cùng thợ mở khóa đến mở cửa, thấy bên trong hỗn loạn nhưng không phát hiện điều bất thường. Ngày hôm sau, ông Sinh chỉ đạo nhân viên mang người đến dọn dẹp, tìm thấy một bộ xương trong phòng ngủ.

Theo cảnh sát, thi thể nằm trên sàn cạnh giường, nhưng hộp sọ lại được tìm thấy trong thùng rác ngay sát.

Một người hàng xóm nói căn hộ từng có "mùi chuột chết" trong hai hoặc ba tháng vào giữa năm 1995. Cảnh sát suy luận rằng nạn nhân đã chết từ 4 năm trước.

Sau khi điều tra, cảnh sát nhanh chóng xác nhận nạn nhân là người mẫu Bành Sở Doanh, sinh năm 1965, biến mất từ năm 1995. Trong căn hộ, cảnh sát tìm thấy giấy tờ tùy thân của Doanh, hơn 1.000 HKD tiền mặt, trang sức và một lượng nhỏ heroin. Họ cũng thu giữ một chiếc bao cao su đã qua sử dụng từ thùng rác nơi có hộp sọ, nhưng không tiến hành xét nghiệm.

Nhân viên pháp y không tìm thấy bất kỳ mô mềm và mẫu gen nào trên thi thể, vì vậy các xét nghiệm có thể thực hiện bị hạn chế và không đủ để xác định nguyên nhân cái chết. Họ chỉ có thể xác nhận danh tính nạn nhân từ răng.

Nhân viên pháp y cho biết xương của nạn nhân không bị tổn thương, không có bằng chứng nào cho thấy hộp sọ và phần thân của bộ xương bị tách ra bằng dụng cụ. Họ cũng tìm thấy dấu vết của heroin trên những sợi tóc còn lại của Doanh.

Phía cảnh sát nói đã liên lạc với gia đình Doanh qua thông tin do ông Sinh cung cấp. Họ được gia đình cho biết Doanh có khuynh hướng tự sát và từng vay nặng lãi khiến người thân bị vạ lây nên cắt đứt quan hệ, dẫn đến việc cô biến mất bốn năm mà không ai trình báo.

Năm 2001, cảnh sát kết luận cái chết "không có gì đáng ngờ".

Gia đình Doanh bất bình vì thấy còn nhiều nghi vấn nhưng cơ quan chức năng đã khép lại vụ án, khiến họ nghi ngờ có "thế lực đen" đứng sau muốn chôn vùi chân tướng vụ việc. Gia đình từng đến Văn phòng trợ giúp pháp lý và trụ sở cảnh sát nhờ giúp đỡ.

Năm 2005, dưới sự hỗ trợ của luật sư Ông Tĩnh Tinh và thành viên hội đồng lập pháp Lương Diệu Trung, gia đình Doanh tiết lộ toàn bộ câu chuyện với giới truyền thông, bày tỏ nghi ngờ những người có quyền lực đã ngăn cản việc điều tra vụ án vào thời điểm đó.

Theo gia đình, Doanh chuyển ra khỏi nhà từ năm 16 tuổi để làm thu ngân trong nhà hàng, một năm sau chuyển sang làm người mẫu. Khi 20 tuổi, Doanh gặp ông Sinh, trở thành tình nhân của người đàn ông hơn nhiều tuổi và đã kết hôn. Kể từ đó, Doanh thôi làm người mẫu, được ông Sinh chu cấp về kinh tế, sống trong căn hộ ở tòa nhà Wah Tak. Cô từng phá thai ba lần.

Mẹ Doanh cho biết sau khi xác nhận cái chết của con gái, bà đã liên lạc với ông Sinh, yêu cầu giải thích nguyên nhân và chi trả phí tang lễ. Tuy nhiên, ông Sinh chỉ cử luật sư liên hệ với họ. Mẹ Doanh nói bị sỉ nhục, đổ lỗi và đe dọa trong cuộc gặp với luật sư. Luật sư này còn bảo: "Bà có biết gia đình họ làm gì không? Bà có biết thế lực gia tộc Trần Phương An Sinh 'nửa trắng nửa đen' không?". Bà nói không hiểu ý của luật sư.

Ngoài ra, mẹ Doanh cho biết một số cảnh sát đã ám chỉ gia đình không được chia sẻ với các phóng viên về sự việc. Khi bà bày tỏ "có gì nói nấy", thái độ của cảnh sát lập tức trở nên gay gắt, sau đó con trai khuyên bà không nên nói nhiều.

Theo luật sư Ông, sau khi thi thể Doanh được phát hiện, cảnh sát ban đầu coi đây là một "vụ án giết người" và phong tỏa hiện trường để tìm kiếm bằng chứng. Tuy nhiên, một giờ sau, tổ trọng án được điều đến, hạ cấp độ thành "vụ phát hiện thi thể". Sau đó, "vụ phát hiện thi thể" có vẻ cấp thấp này lại được xử lý ở cấp độ rất cao, thông tin về vụ án đều liệt vào "bảo mật cao", gia đình nạn nhân và luật sư không thể truy tìm, điều tra.

Căn hộ tìm thấy thi thể do ông Sinh đứng tên, trong 4 năm qua ông ta đã ra vào căn hộ nhiều lần, thậm chí từng ở lại căn hộ trong thời gian ngắn và đi vào phòng ngủ nơi phát hiện thi thể để đóng cửa sổ. Tuy nhiên, ông Sinh nói không biết chuyện gì xảy ra, không phát hiện thi thể hay mùi kỳ lạ.

Trong thời gian Doanh mất tích, căn hộ phát sinh tiền điện cao, luật sư Ông nghi ngờ có người bật điều hòa liên tục để giấu mùi thi thể.

Sau khi vụ án khép lại, gia đình Doanh muốn thu hồi bằng chứng, nhưng phát hiện nhiều di vật và vật chứng đã biến mất, như chiếc bao cao su tìm thấy dưới hộp sọ, chiếc đồng hồ khắc tên "Phương Mạn Sinh" ở đáy, những trang nhật ký của Doanh đề cập đến ông Sinh đều bị xé bỏ, ảnh thân mật của hai người trong album bị lấy mất... giống như xóa sạch mọi dấu vết chung sống của Doanh và ông Sinh.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Sinh cáo buộc gia đình Doanh "tống tiền". Tuy nhiên, em gái Doanh chỉ ra rằng phía ông Sinh chủ động "ra giá" và hỏi họ "muốn bao nhiêu tiền".

Người mẫu Bành Sở Doanh và ông Phương Mạn Sinh (ảnh nhỏ) trên báo Hong Kong. Ảnh: Read01

Người mẫu Bành Sở Doanh và ông Phương Mạn Sinh (ảnh nhỏ) trên báo Hong Kong. Ảnh: Read01

Khi bị phanh phui, vụ án gây chấn động lớn ở Hong Kong. Tháng 11/2005, ông Wong Yan-lung, lãnh đạo mới được bổ nhiệm của cơ quan tư pháp, tuyên bố sẽ điều tra lại vụ án và làm rõ nguyên nhân cái chết.

Trong phiên điều trần về nguyên nhân cái chết vào tháng 2/2006, bác sĩ pháp y lý giải việc hộp sọ của nạn nhân nằm tách biệt thân thể. Theo đó, trên xương không tìm thấy vết gãy hay vết cắt do con người tạo ra, có thể suy đoán nạn nhân khi chết ngồi trên sàn, dựa vào thùng rác, khi thi thể dần phân hủy, dưới ảnh hưởng của trọng lực, hộp sọ cuối cùng rơi vào thùng rác, thi thể ngã xuống sàn.

Về chiếc bao cao su tìm thấy ở hiện trường "không cánh mà bay", cảnh sát cho biết nó đã được bàn giao cho phòng thí nghiệm, tuy nhiên, phòng thí nghiệm làm chứng rằng họ chưa bao giờ nhận được.

Phiên điều trần có tới 49 nhân chứng, nhiều người trong đó tự nhận là bạn trai cũ của Doanh, tố cáo cô "nhân cách tồi", có quan hệ nam nữ lộn xộn, hút chích ma túy. Nhưng khi luật sư hỏi sinh nhật của Doanh, vị trí phòng trong căn hộ của cô, những "bạn trai cũ" này không trả lời được dù nói thường xuyên đến nhà cô.

Cảnh sát đưa ra cuốn nhật ký của Doanh trước khi chết, trong đó cô nhiều lần đề cập đến việc muốn tự tử vào năm 1992-1993, tỏ ra vô cùng đau đớn sau khi chia tay với ông Sinh. Ngoài ra, Doanh cũng được chẩn đoán mắc chứng động kinh trước khi chết.

Mẹ Doanh phủ nhận con gái lạm dụng ma túy, chỉ thừa nhận sau khi bị ông Sinh lạnh nhạt, Doanh phải nhờ đến thuốc an thần mới có thể ngủ. Bà cho biết dù Doanh từng nói sức khỏe không còn tốt như trước sau ba lần phá thai, nhưng bà không nhận thấy con có bất kỳ vấn đề nào về thể chất và tinh thần.

Tháng 3/2006, bồi thẩm đoàn của phiên điều trần về nguyên nhân cái chết nhất trí phán quyết rằng Bành Sở Doanh "chết vì không may hoặc tai nạn". Họ cho rằng Doanh rất có thể chết do lạm dụng thuốc hoặc nôn mửa dẫn đến ngạt thở và tử vong, loại trừ khả năng bị sát hại và tự tử, đồng thời chính thức tuyên bố Phương Mạn Sinh "không liên quan gì" đến vụ việc.

Luật sư Ông nói còn nhiều điểm nghi vấn chưa được làm rõ trong phiên điều trần, nhưng với kết luận này, vụ án không bao giờ được đưa ra xét xử. Bà tiết lộ từng bị cảnh cáo yêu cầu dừng vụ án.

Trong một chương trình phỏng vấn vài năm trước, bà Regina Ip Lau Suk-yee, cựu giám đốc cơ quan an ninh Hong Kong, cho biết: "Vụ án thi thể bạn gái của Phương Mạn Sinh rất chấn động. Vụ việc xảy ra vào năm 1999, khi đó tôi phụ trách cơ quan an ninh, nhưng tôi hoàn toàn không biết chuyện".

Bà Regina Ip nghĩ mình đã bị loại khỏi cuộc điều tra: "Lúc đó cảnh sát không thông báo cho tôi, có lẽ họ nghĩ chỉ là một trường hợp chết không rõ nguyên nhân bình thường, nhưng họ nhất định biết vụ việc có liên quan đến người nhà của quan chức cấp cao, và họ có thể đã báo cáo trực tiếp với bà Anson Chan". Bà nói chỉ biết chuyện khi báo chí đưa tin.

Năm 2023, bộ phim điện ảnh A Guilty Conscience trở thành phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất lịch sử Hong Kong, được cho dựa trên vụ án này. Luật sư Ông thừa nhận gợi lại nhiều hồi ức sau khi xem phim vì có nhiều điểm tương đồng, nhưng vụ án trong thực tế còn ly kỳ, khúc chiết hơn trên phim.

Tuệ Anh (Theo Sina, Hk01, Zaobao)

Xem thêm: lmth.5072954-aig-iad-ahn-gnort-man-4-uaig-uam-iougn-eht-iht-na-yk/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ án thi thể người mẫu giấu 4 năm trong nhà đại gia”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools