Quý I/2023, tròn một năm mở cửa sau dịch Covid-19, số doanh nghiệp lập mới và quay lại thị trường đạt 57.000 đơn vị, lần đầu thấp hơn số rút lui là 60.200. Điều này cho thấy bức tranh kinh doanh thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới là 9,2 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ, mức thấp nhất so với các quý I trong 7 năm qua. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế cũng ghi nhận mức thấp nhất từ năm 2019 (thời điểm chưa xuất hiện Covid-19), đạt 756.700 tỷ đồng, giảm gần 36%.
Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy và đơn hàng mới khan hiếm. Cùng đó, việc tiếp cận vốn vẫn khó khăn, lãi suất ngân hàng điều chỉnh khiến chi phí doanh nghiệp tăng 5-10%.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, CIEM), các kết quả cải cách chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Gánh nặng chính sách vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, một số vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, trở thành rủi ro lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Để góp phần giúp Chính phủ thấy rõ hiện trạng, có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và VnExpress thực hiện khảo sát với đại diện các doanh nghiệp từ nay đến 23/4. Ý kiến từ doanh nghiệp của bạn sẽ được tổng hợp trong báo cáo, kiến nghị trình Thủ tướng.
Đức Minh