Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Chuyến thăm của ông Blinken được xem như tiếp nối các hoạt động của phía Mỹ nhằm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.
Mỹ mong muốn mở rộng quan hệ
Dự kiến trong ngày 15-4, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ hội kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và hội đàm Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ dự lễ khởi công đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội, thăm Đại học Bách khoa và một số hoạt động khác.
Chuyến thăm diễn ra không lâu sau cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29-3.
Trong đó Tổng bí thư nhấn mạnh tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
Tổng thống Mỹ Biden thì khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, cho rằng sự tôn trọng này là nền tảng quan trọng trong quan hệ hai nước.
Trong thông cáo ngày 14-4 về chuyến thăm của ông Blinken, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ mong muốn "mở rộng quan hệ đối tác trong những năm tới" với Việt Nam.
Thông cáo nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, đồng thời điểm lại các thành tựu hợp tác song phương trong khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh, thương mại, giáo dục, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch...
Theo phía Mỹ, hợp tác về các giải pháp để giải quyết biến đổi khí hậu và các tác động của nó là một trong các vấn đề nằm trong chương trình nghị sự lần này của ông Blinken ở Việt Nam.
Mỹ: Việt Nam có tầm quan trọng tại khu vực
Dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đã đưa nhiều đoàn quan chức cấp cao thăm Việt Nam từ đầu năm 2023 như Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai (tương đương bộ trưởng, tháng 2-2023), tổng giám đốc USAID, giám đốc CDC Mỹ, đoàn nghị sĩ lưỡng viện Mỹ do thượng nghị sĩ Jeff Merley dẫn đầu.
Trong cuộc họp báo ngày 10-4, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết Việt Nam có tầm quan trọng với Mỹ.
Ông giải thích Việt Nam cũng ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên các chuẩn mực, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đang mở rộng đầu tư tại đây và Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác tin cậy ở Mekong, một nhà lãnh đạo trong ASEAN và là thành viên quan trọng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 109 tỉ USD năm 2022, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (tính theo kim ngạch song phương).
Mỹ cũng xếp thứ 11/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với hơn 1.200 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 11 tỉ USD.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ dự lễ khởi công đại sứ quán mới trị giá 1,2 tỉ USD tại Việt Nam, trong chuyến thăm từ ngày 14 đến 16-4.