Vật báu “bốc hơi”
Sau khi những cơn bão ập đến California vào tháng 3, vựa lương thực của tiểu bang ngập tràn sắc hồng và trắng của hoa hạnh nhân nở rộ. Bên dưới tán cây, những con mương đầy ắp nước mà mới chỉ vài tháng trước còn nằm trơ khô cằn.
Ông Ralph Gutierrez, 65 tuổi, là người đã từng chứng kiến lũ lụt và hạn hán trong nhiều thập kỷ. Ông dành 43 năm để vận hành hệ thống nước cho một cộng đồng nghèo nhất trong bang.
Vào năm 2001, ông Gutierrez quản lý nước cho khoảng 500 hộ gia đình ở Woodville. Khi đó, nguồn nước sạch chỉ cách mặt đất khoảng 30m. Hai giếng chung chạy bằng máy bơm điện đã tạo ra nguồn nước sạch cho các vòi dân dụng trong khu vực.
Sau đó, California đã trải qua 20 năm khô hạn nhất trong vòng 1.200 năm. Mực nước ngầm đã rút xuống sâu hơn 60m. Một giếng ở Woodville đã khô cạn và nứt nẻ cách đây hai năm. Giếng còn lại phải ngưng sử dụng vì nhiễm nitrat.
Năm 2021, gần 1.500 giếng sinh hoạt ở tiểu bang đã khô cạn, khiến 1 triệu người dân của tiểu bang không có nước sạch trong nhà để uống. Hiện tại, người dân Woodville uống nước đóng chai.
Những cơn bão lớn gần đây đã nâng mực nước tại Woodville lên khoảng 5m, nhưng sẽ phải mất nhiều thập kỷ để tầng ngậm nước đầy trở lại. Vì hạn hán chỉ là một phần của tai ương.
Phần còn lại nằm trên những cánh đồng đầy cây hạnh nhân, quả hồ trăn (hạt dẻ cười) và quả óc chó. Chúng là những loại cây lâu năm phổ biến nhất trong khu vực và cần được tưới nhiều nước trong suốt vòng đời 30 năm của mình.
Ông Ralph Gutierrez không hề biết chủ sở hữu của những khu cây trồng lấy hạt này. Cứ cách vài km, một chiếc vòi xả nước hình chữ U nhô lên. Chúng khoan sâu xuống lòng đất để lấy nước tưới cây. Nhu cầu hút nước thường xuyên để tưới tiêu khiến mực nước ngầm ở San Joaquin Valley suy giảm. Nhiều giếng của hộ nông dân và các cộng đồng khó khăn như Woodville cạn dần.
Ông Gutierrez nói: “Bất cứ ai đang làm điều này đều không quan tâm đến những người khó khăn”.
Những gã khổng lồ đằng sau hàng triệu mẫu đất canh tác
Hoá ra, bàn tay vô hình ấy lại được nối dài từ các nhà đầu tư ở New York, Toronto, Zurich và các thủ đô tài chính khác. Một số ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới như Manulife Financial Corp. hoạt động dưới tên John Hancock, TIAA và UBS, đã và đang làm cạn kiệt nguồn nước ngầm của California để trồng các loại hạt có giá trị cao. Hậu quả là cộng đồng xung quanh bị thiếu nước dùng.
Kể từ năm 2010, 6 nhà đầu tư lớn đã mở rộng gấp 4 lần diện tích đất nông nghiệp ở California, lên gần 48.562 ha, tương đương với 1/3 diện tích đất trồng trọt ở tiểu bang Connecticut. Mặc hạn hán nghiêm trọng và những nguyên tắc cơ bản nhất trong đầu tư bền vững, các công ty vẫn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các loại cây lâu năm.
Từ năm 2015 - 2019, TIAA đã dùng ít nhất 258 triệu USD vào khoảng 3.480 ha đất trồng các loại hạt và nho ở California. Từ năm 2016 - 2021, Hancock rót hơn 67 triệu USD tiền của nhà đầu tư vào 2.630 ha cây trồng lâu năm và các sản phẩm khác. Quỹ uỷ thác đầu tư bất động sản Gladstone Land Corp. đã đổ 518 triệu USD để mua 9.307 ha chủ yếu là hạnh nhân và quả hồ trăn từ năm 2015 - 2021 để cho nông dân địa phương thuê.
Chi nhiều đến thế, vai trò của các nhà đầu tư tổ chức trong cuộc khủng hoảng nước của tiểu bang lại không được chú ý đến. Họ cũng chính là người đổ hàng triệu USD cho việc đào giếng sâu lấy nước cung cấp cho cây. Những dự án đắt đỏ như vậy là thứ mà nhiều cộng đồng cư dân không thể thực hiện được.
Cơn sốt “săn nước” là kết quả tự nhiên của việc đầu tư hàng thập kỷ vào đất nông nghiệp. Họ coi việc canh tác lương thực là loại tài sản chắc chắn sẽ tăng giá, trong bối cảnh thế giới đông dân hơn và đang ngày càng nóng dần lên. Việc sở hữu đất đai dẫn đến việc chiếm hữu một loại tài sản thậm chí còn khan hiếm hơn đó chính là nước.
Nỗi bất lực của cộng đồng dân cư
Để nỗ lực đảm bảo danh mục đầu tư phát triển mạnh, một số tổ chức tài chính lớn nhất thế giới đã tích lũy quyền kiểm soát đối với hồ, sông và tầng ngậm nước từ California đến Châu Phi, Úc đến Nam Mỹ. Quyền này sẽ giúp họ quản lý nguồn tài nguyên đang bị đe dọa.
Nhưng xu hướng này có thể làm cản trở khả năng tiếp cận nguồn nước của các cộng đồng. Người dân địa phương phải trả giá bằng các giếng cạn. Vì theo quy luật thuỷ động lực học, các giếng sâu sẽ hút cạn nước của các giếng nông hơn. Hoạt động đào giếng sâu để hút nước cũng gây ra sụt lún nền đất, làm hư hỏng cầu đường và nhiều cơ sở hạ tầng khác.
Người dân cũng phải trả hoá đơn tiền nước cao hơn, trong khi nguồn cung nước bị ô nhiễm. Các giếng sâu hút chất gây ô nhiễm như nitrat từ mặt đất xuống tầng ngậm nước, chưa kể nhiều nguồn nước ngầm ở Central Valley có chứa asen, chất gây ung thư.
Một người phụ nữ 37 tuổi tên Maria sống cùng chồng và 6 đứa con trong một ngôi nhà di động. Cô nói rằng phải mất một tiếng để nước chảy đầy bình chứa. Nước chảy ra có màu nâu và mùi như thuốc tẩy. Hai tuần một lần, một tổ chức phi lợi nhuận sẽ mang khoảng 95 lít nước uống đến. Nhưng số nước này chỉ đủ dùng cho khoảng 5-6 ngày.
Nước trong bình chứa sẽ dùng để tắm và xả nước nhà vệ sinh. Các con của cô có khi vài ngày tắm một lần. Bát đĩa bẩn cũng chất đống trong bồn nhiều ngày.
Trong khi đó, bên ngoài cánh đồng, Maria nhìn thấy nước trong những con kênh dâng lên nhờ cơn mưa lớn và đổ vào những cánh đồng cây hạnh nhân và quả hồ trăn. Cô không thể tin được khi chứng kiến cảnh nước chảy vào hàng triệu mẫu đất nông nghiệp, trong khi con của cô lại phải tắm bằng thứ nước màu nâu kịt và nhà vệ sinh không thể xả nước trong nhiều ngày.
Tham khảo Bloomberg