Hơn 80% người dân trưởng thành sở hữu ngân hàng số, dễ dàng tiếp cận các tiện ích từ điện, nước, dịch vụ tiền gửi, các giao dịch mua bán thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Bình Minh, Giảng viên Đại học Thương mại, Ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết: "Trước tiên, chúng ta đều biết thanh toán số (thanh toán điện tử) là 1 trong 4 trụ cột quan trọng nhất của thương mại điện tử. Chính vì vậy, đây là một trong những yếu tố góp phần giúp thương mại điện tử có thể thực hiện với quy mô giao dịch lớn.
Trên thế giới, những nền thương mại điện tử phát triển hầu hết dựa vào thanh toán số (thanh toán điện tử). Vì vậy, nếu không có các giải pháp thanh toán số thì khả năng mở rộng quy mô và tăng tốc giao dịch sẽ bị hạn chế nhiều. Khi thương mại điện tử phát triển đến giai đoạn bùng nổ, số lượng giao dịch rất lớn, lớn gấp nhiều lần so với thương mại truyền thống. Do đó, nếu không có các công cụ này, thì thương mại điện tử sẽ không mở rộng được".
Cũng theo ông Minh, hiện nay, thương mại điện tử của Việt Nam đã mở rộng, đi vào các vùng nông thôn, đi kèm với đó là sự phát triển của các khâu thanh toán, nó lan dần từ các thành phố về các vùng nông thôn. Do đó, công cụ thanh toán số đã góp phần cải thiện hoạt động thương mại điện tử ở nông thôn.
Ngân hàng số và các phương thức thanh toán mới giúp trải nghiệm khách hàng tốt hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Trong các phương tiện thanh toán giúp thúc đẩy thương mại điện tử ở nông thôn, các ngân hàng số có vai trò rõ nét nhất. Một thống kê mới công bố gần đây của Cốc Cốc cho thấy, gần 83% người Việt trưởng thành có ứng dụng ngân hàng số, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 79%. Mức phổ biến này giúp ai cũng có thể tham gia giao dịch, mua bán dễ dàng.
"Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ, người trẻ có khả năng thích nghi với công nghệ rất tốt. Việc sử dụng các nền tảng ngân hàng số cũng trở nên phổ biến. Trong thời gian qua, các ngân hàng số đã tích cực phát triển các ứng dụng với nhiều phiên bản cập nhật cũng như liên tục cung cấp các phiên bản mới. Tốc độ và khả năng xử lý của các ngân hàng số được tăng lên đáng kể. Vì vậy, những người trẻ ở mọi miền của đất nước đều có thể làm quen và sử dụng. Các ứng dụng này đã trở thành công cụ thanh toán hàng ngày ở Việt Nam. Việc sử dụng bằng QR code hay chuyển khoản tương đối phổ biến. Do đó, hiện nay các ứng dụng ngân hàng số phổ cập tại Việt Nam", ông Nguyễn Bình Minh nhận định.
Xu hướng tiêu dùng đa dịch vụ trên các ứng dụng ngân hàng số
Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng có thể mua sắm bất cứ thứ gì chỉ trên một ứng dụng và không phải cung cấp thông tin về tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán của mình cho bên thứ ba. Đây là xu hướng mới trong phát triển ngân hàng số, đưa các gian hàng, các tiện ích mua sắm trực tiếp lên ứng dụng ngân hàng.
Một số ngân hàng cho biết khách hàng có thể mua hàng của nhiều trang thương mại điện tử khác nhau mà không cần chuyển đổi giữa các ứng dụng.
"Tôi đã thử tính năng mua sắm trên app ngân hàng, nhìn chung khá tiện lợi. Thay vì việc cung cấp thông tin tài khoản hay thẻ cho một app khác, giờ đây tôi nghĩ cách này sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên việc giao nhận hàng hơi chậm so với mua trực tiếp trên các app thương mại điện tử khác", chị Lê Thị Bình, Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
Không chỉ các ngân hàng, các nền tảng công nghệ tài chính hiện nay cũng đang theo đuổi xu hướng này, bằng việc phối hợp, chia sẻ, tích hợp dịch vụ với nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nền tảng số cũng trở nên hấp dẫn hơn với người dùng cá nhân, giữ chân họ lâu hơn và có nhiều thời gian để làm quen và tiếp cận với các dịch vụ có giá trị cao.
"Thanh toán điện tử là 1 trong 4 trụ cột quan trọng nhất của thương mại điện tử. Nếu trụ cột này không phát triển thì thương mại điện tử sẽ gặp hạn chế, ví dụ như Ấn Độ, thanh toán điện tử của họ kém phát triển dẫn đến thương mại điện tử cũng gặp khó khăn và nhiều quốc gia khác cũng có tình trạng như vậy. Nếu thanh toán điện tử không phát triển ở quy mô lớn thì thương mại điện tử cũng sẽ bị mắc kẹt lại. Chúng ta may mắn là với người dùng trẻ và khả năng chuyển dịch công nghệ, trong 2 năm đại dịch, số lượng người dùng ngân hàng số, các ví điện tử đã tăng vọt gấp nhiều lần, giúp hoạt động thanh toán điện tử diễn ra nhanh và mở rộng được quy mô. Nhờ vậy, thương mại điện tử mới bùng nổ với tốc độ cao như vậy", ông Nguyễn Bình Minh đánh giá.
Gần đây, trong một báo cáo của Lazada và VCCI về thương mại điện tử bền vững, thanh toán số, ngân hàng số cũng được coi là một trong những giải pháp thúc đẩy xu hướng này. Ngân hàng số và các phương thức thanh toán mới giúp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, thông tin bảo mật hơn và thậm chí cũng giảm phát thải hiệu quả hơn.
VTV.vn - Với những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, thương mại điện tử cũng đang đứng trước áp lực buộc phải chuyển mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.54354430161403202-ut-neid-iam-gnouht-yad-cuht-os-naot-hnaht/et-hnik/nv.vtv