Sau khi đại diện VKSND TP Hà Nội hoàn tất công bố cáo trạng, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển sang phần xét hỏi.
Vụ án là một chuỗi các sai phạm
Là người đầu tiên bị xét hỏi, bị cáo Đoàn Trọng Bình (cựu Phó Trưởng phòng vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội) xác nhận bản thân biết việc bệnh viện có chủ trương cho ký gửi vật tư y tế và chủ trương này do ông Nguyễn Quang Tuấn đưa ra.
Trước tòa, bị cáo Bình khai "nguồn gốc" của chủ trương này xuất phát từ chính nhu cầu của các bác sĩ tại bệnh viện, khi nhu cầu sử dụng các vật tư y tế lớn. Sau khi được Giám đốc Bệnh viện cho phép, Phòng Vật tư y tế là nơi nhận ký gửi, rồi hợp thức hóa bằng việc chỉ định thầu.
Về quy trình đấu thầu, bị cáo cho biết Phòng Vật tư y tế sẽ đề xuất danh mục để báo cáo giám đốc. Quá trình tổ chức đấu thầu đều thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Tuấn.
Trong cáo trạng, năm 2017, Viện Tim Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu thầu 4 gói thầu. Các gói thầu này được áp đơn giá vật tư trúng thầu ấn định theo giá đấu thầu năm 2016.
HĐXX chất vấn bị cáo Bình về cáo buộc này. Tại bục khai báo, bị cáo này giải thích thời điểm trình thầu diễn ra vào lúc "giao thoa" giữa năm 2016 và 2017. Trong khi đó, nhiều vật tư, thiết bị y tế đã được các bác sĩ dùng hết cho bệnh nhân dịp Tết. Vì vậy, những bệnh nhân sử dụng vật tư, thiết bị y tế năm 2016 sẽ tiếp tục phải dùng trong năm 2017, nên không thể đòi hỏi giá trang thiết bị, vật tư của 2 năm phải bằng nhau.
"Đến bây giờ, bị cáo nhìn nhận vụ việc như một hiệu ứng domino, từ cái sai này dẫn đến cái sai khác", Bình nói và thừa nhận cáo buộc của cáo trạng đối với bản thân là đúng, không oan ức. Bị cáo này tự nhận vai trò của bản thân trong vụ án là đồng phạm với chủ đầu tư và giám đốc bệnh viện.
Về việc khắc phục vụ án, bị cáo Bình nói không được hưởng lợi trong vụ án nhưng vẫn nộp 300 triệu đồng để khắc phục. Số tiền này được Bình lấy từ chính tiền lương của bị cáo.
Sau đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) lên bục xét hỏi.
Trước tòa, Hưởng khai toàn bộ quá trình đấu thầu đều được bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện. Tại các cuộc họp, ông Tuấn đưa ra chỉ đạo các phòng chức năng làm hồ sơ hợp thức quá trình mua sắm đối với các nhà cung cấp đã ứng trước vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên, Hưởng nói ông Tuấn không có chỉ đạo cụ thể nào.
Về lý do chọn Công ty thẩm định giá AIC là đơn vị thẩm định các gói thầu, bị cáo Hưởng cho hay, khi đó, Công ty AIC được đánh giá là có năng lực tốt hơn các đơn vị khác.
Đối với việc thẩm định giá, Hưởng khai đã giao cho 2 cấp dưới là Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cựu Phó trưởng phòng vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội) liên hệ với Công ty AIC để làm việc.
Về đơn giá trong danh mục mua sắm trang thiết bị, HĐXX chất vấn bị cáo Linh. Theo cựu Phó trưởng phòng vật tư y tế, mức giá trên được căn cứ vào nhiều mức giá trên thị trường, tuy nhiên, đơn giá đề xuất chủ yếu dựa theo giá các vật tư, y tế mà những bệnh viện lớn đã sử dụng. Bị cáo Linh cũng xác nhận Công ty AIC đã thẩm định giá theo đơn giá mà bệnh viện đưa ra.
Không được hưởng lợi nhưng có nhận quà
Đến phần xét hỏi ông Nguyễn Quang Tuấn, HĐXX chất vấn về chủ trương cho ký gửi vật tư, y tế vào bệnh viện. Theo cựu giám đốc bệnh viện, chủ trương này đã được thực hiện từ trước khi ông này làm giám đốc.
Bị cáo Tuấn phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới là bà Hưởng thực hiện việc triển khai đấu thầu nhưng thừa nhận có chỉ đạo làm sao để thanh toán được cho các đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị y tế vào bệnh viện.
Quá trình tổ chức đấu thầu, ông Tuấn khai không biết cấp dưới thực hiện những gì, chỉ ký duyệt sau khi hoàn tất các thủ tục.
"Làm sao mua được hàng bằng hoặc thấp hơn giá trước mình đã mua vì những mặt hàng này là truyền thống, bệnh viện đã dùng nhiều năm", ông Tuấn nói về chỉ đạo của bản thân đối với cấp dưới. Đồng thời, cựu giám đốc bệnh viện cho rằng việc chỉ định thầu là sai nhưng không còn cách nào khác.
Trước tòa, bị cáo này nói không được hưởng lợi gì khi chỉ định thầu, nhưng thừa nhận đã nhận quà từ bị cáo Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga), gồm 10.000 USD, hộp xì gà và chai rượu. Ông Tuấn cho biết đã nộp lại 10.000 USD, đồng thời vợ bị cáo đã nộp 6 tỷ đồng để khắc phục vụ án.
"Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai. Bị cáo có vai trò chính, gây thiệt hại cho bệnh viện. Với sai phạm này, bị cáo có lỗi cao nhất", ông Tuấn trình bày trước HĐXX.