Số ca COVID-19 "leo thang" 10 ngày qua
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 1-4 đến ngày 17-4, cả nước ghi nhận 4.800 ca mắc COVID-19 mới.
Số ca mắc COVID-19 bắt đầu "leo thang" từ ngày 8-4, đến ngày 17-4 thì lên cao nhất với 1.031 ca mới, trong đó 14 bệnh nhân phải thở oxy. Không ghi nhận ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.532.103 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.541 ca nhiễm).
Trong ngày 16-4 có 159 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.073.566 liều.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Thành phố đã tiến hành gửi 10 mẫu bệnh phẩm có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 đến Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện giải trình tự gene, phục vụ công tác giám sát biến chủng SARS-CoV-2.
Cảnh báo COVID-19 tăng sau kỳ nghỉ lễ
Các chuyên gia cảnh báo kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và giỗ Tổ Hùng Vương tới đây là dịp người dân đi lại nhiều, du lịch tăng cao, có thể ca mắc COVID-19 sẽ gia tăng trở lại.
Trước đó, vào tháng 9-2022, sau kỳ nghỉ lễ 2-9, số ca mắc COVID-19 trên cả nước cũng gia tăng. Thời điểm trước lễ, số ca mắc nhiều ngày giảm còn 1.300 - 1.500 ca/ngày, sau nghỉ lễ, đến ngày 5-9 cả nước đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố hết dịch, nghĩa là bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến.
"Thời gian sắp tới, nếu người dân chủ quan không có các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay thì số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng, vì thế nên duy trì nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn), không chỉ phòng COVID-19 mà còn các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B.
Với ngành y tế, cần đánh giá về các chủng vi rút mới, khả năng phòng bệnh của vắc xin để khuyến cáo người dân và có biện pháp đáp ứng phù hợp, không bị động", ông Phu nhấn mạnh.
Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng khuyến cáo người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
"Người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế địa phương trong việc phòng chống dịch COVID-19", ông Lân khuyến cáo.
Theo Hãng tin Bloomberg, công ty phân tích sức khỏe Airfinity tại London, Anh, dự đoán một đại dịch chết người như COVID-19 có thể xảy ra trong vòng 10 năm tới.
Xem thêm: mth.86170716171403202-el-pid-oac-gnat-oab-hnac-iom-91-divoc-ac-000-1-noh-oc-4-71-yagn/nv.ertiout