vĐồng tin tức tài chính 365

Quán karaoke 'chết lâm sàng'

2023-04-18 11:05
Quán karaoke chết lâm sàng - Ảnh 1.

Một quán karaoke đóng cửa trả mặt bằng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhiều quán đã được chi tiền tỉ để sửa chữa, khắc phục yêu cầu về phòng cháy chữa cháy nhưng cũng chưa rõ khi nào được cho phép hoạt động trở lại.

Sau đợt cao điểm kiểm tra, chấn chỉnh của công an cả nước về an toàn phòng cháy chữa cháy, hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ, tạm đình chỉ, buộc khắc phục, sửa chữa.

Chi tiền tỉ khắc phục phòng cháy chữa cháy rồi... đóng cửa

Sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra, quán karaoke Táo Đỏ (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM) của chị H.T.T. bị buộc phải tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 11-2022 để sửa chữa theo quy chuẩn mới, trong đó có yêu cầu phải làm thêm một lối cầu thang thoát hiểm.

Chị H.T.T. đã chạy vạy tiền tỉ để lắp thêm cầu thang thoát hiểm thứ hai ở mặt tiền quán, thay các cửa ngăn khói, gỡ hết các vật liệu ốp tường dễ cháy, thay vào đó là thuê họa sĩ về vẽ họa tiết...

Sau khi cải tạo và đáp ứng đầy đủ các quy định mới về phòng cháy chữa cháy, hồ sơ sửa chữa, cải tạo quán của chị H.T.T. được công an quận tiếp nhận để thẩm duyệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.

"Quán karaoke của tôi là đất thuê, đã hoạt động được 12 năm, trước đó đã được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Giờ phải sửa chữa lại, tôi đã đáp ứng mà chưa biết đến lúc nào cơ quan chức năng mới cho phép cho hoạt động lại...", chị H.T.T. thắc mắc.

Còn ông D.V.V., chủ của hai quán karaoke ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), bị tạm đình chỉ hoạt động từ tháng 11-2022, cũng được công an huyện yêu cầu mỗi quán đều phải mở thêm lối thoát hiểm theo quy chuẩn 06:2021 ngoài sửa chữa các hạng mục khác.

Tuy nhiên đến nay, ông D.V.V. vẫn phải đóng cửa vì chưa biết làm thế nào mở thêm lối cầu thang thoát hiểm thứ hai do hiện trạng xây dựng của quán.

Tương tự, chị N.T.T., chủ một quán karaoke ở Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết quán karaoke của gia đình chị có một số hạng mục như cầu thang, lối thoát hiểm... phải sửa chữa theo quy định mới.

"Các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, trong khi kết cấu của tòa nhà không thể thay đổi, chỉnh sửa được. Nhìn nhận từ thực tế, nếu đối chiếu với quy định mới, quán karaoke của gia đình tôi chỉ có đập đi xây lại", chị T. cho hay.

Kể về nỗi khổ khi sửa chữa, anh N.V.S. (chủ quán karaoke ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết đã bỏ ra 300 triệu đồng để khắc phục các hạng mục của quán.

Tuy nhiên, sau khi khắc phục xong các hạng mục này, anh lại được cơ quan chức năng cho biết theo quy định phòng cháy chữa cháy mới, quán của anh chưa đáp ứng yêu cầu về vật liệu không cháy, khó cháy...

"Tôi rất muốn khắc phục nốt hạng mục này để quán karaoke được hoạt động trở lại nhưng hoang mang vì không được ai hướng dẫn vật liệu không cháy, khó cháy là vật liệu gì, nên mua ở đâu, như thế nào là đủ tiêu chuẩn. Nếu tự ý mua lỡ sau này không đạt tiêu chuẩn thì lại mất một khoản tiền lớn", anh S. nói.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số các quán karaoke ít có quán xây dựng mới mà chủ yếu cải tạo từ các nhà phố và hoạt động từ lâu. Thời điểm cơ quan công an kiểm tra, hầu hết đều mắc các lỗi sai so với quy chuẩn 06:2021, thông tư 147/2020.

Quán karaoke chết lâm sàng - Ảnh 3.

Quán karaoke của chị Trâm (Gò Vấp, TP.HCM) lắp thêm cầu thang thoát hiểm thứ hai sau khi có quy định phòng cháy chữa cháy mới - Ảnh: MINH HÒA

Chờ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nhân viên mất việc

Ngoài vướng mắc liên quan đến kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy, hàng loạt quán karaoke ở TP.HCM vẫn đang bị buộc phải dừng hoạt động do hồ sơ thẩm duyệt vướng mục đích sử dụng đất, không liên quan đến quy chuẩn phòng cháy chữa cháy.

Trường hợp của ông Huỳnh Văn Cường (chủ quán karaoke Gold Star Vip) trên đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp, chủ năm quán karaoke ở quận Gò Vấp và phải đóng cửa từ cuối tháng 10-2022 đến nay là một ví dụ.

Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, ông Cường đã tháo dỡ và thay thế, trang trí lại các quán bằng các vật liệu không cháy, khó cháy trong phòng hát, hành lang... Các quán cũng trang bị mặt nạ phòng độc, búa, rìu, kìm cộng lực phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ...

Ông Cường cũng cho lắp thêm hệ thống kết nối liên động (khi có báo cháy sẽ ngắt hệ thống điện trong các phòng hát), đóng kín các buồng thang thoát nạn bằng cửa chống cháy, chống nhiễm khói...

Giữa tháng 1-2023, sau khi hoàn tất sửa sang, ông Cường đã gửi hồ sơ thẩm duyệt bổ sung lên Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM để xin hoạt động trở lại.

Tuy nhiên đầu tháng 2-2023, PC07 hướng dẫn rằng do đất các quán này có mục đích sử dụng là nhà ở riêng lẻ, cần phải "liên hệ cơ quan quản lý xây dựng để có ý kiến về sự phù hợp mục đích sử dụng nhà với công năng hoạt động của công trình".

"Đa số các quán của tôi sử dụng là đất thuê, không thể chuyển mục đích sang đất thương mại dịch vụ, yêu cầu vậy khiến tôi bí đường, trong khi các quán của tôi có đầy đủ các giấy chứng nhận.

Tôi đã chi khoảng 16 tỉ đồng để sửa sang lại năm quán karaoke và phải tốn thêm mỗi tháng khoảng 1,5 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng, nhân viên, duy trì hệ thống...", ông Cường chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Thái Sơn, tổng giám đốc Công ty ICOOL (chuỗi 17 quán karaoke ICOOL), cho biết toàn hệ thống của ông trên địa bàn TP.HCM bị tạm đình chỉ để khắc phục an toàn phòng cháy chữa cháy từ tháng 10-2022.

Tuy nhiên, sau khi bỏ ra hàng chục tỉ đồng "trùng tu", 17 quán vẫn "đắp chiếu" chờ thẩm duyệt và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy bổ sung để hoạt động lại.

"Chuỗi quán của tôi cũng như nhiều quán khác vướng mục đích sử dụng đất. Chuỗi có 600 nhân viên bị dừng việc để chờ nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Do thời gian kéo dài nên nhiều nhân viên phải kiếm công việc khác, còn doanh nghiệp thì đang gồng gánh rất nhiều chi phí để duy trì...", ông Sơn nói.

Quán karaoke chết lâm sàng - Ảnh 4.

Người dân lo ngại khó đáp ứng các quy định về PCCC đối với điện mặt trời mái nhà - Ảnh: NGỌC HIỂN

Công an TP.HCM: không xem xét mục đích sử dụng đất

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an về khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về PCCC, Công an TP.HCM vừa ký ban hành công văn số 1678 hướng dẫn, trong đó có nhiều vướng mắc được tháo gỡ.

Theo đó, không yêu cầu phải xem xét về mục đích sử dụng đất khi thẩm duyệt mà chỉ xem xét các nội dung về kỹ thuật.

Ngoài ra, thay vì phải có hai lối thoát nạn như quy định của quy chuẩn 06:2021/BXD, chỉ cần bố trí một lối thoát nạn cho các công trình có quy mô nhỏ, chiều cao PCCC đến 15m, diện tích không quá 300m2 hoặc chiều cao PCCC đến 21m, diện tích không quá 200m2, có trang bị hệ thống Sprinkler, số người mỗi tầng không quá 20 người.

Với vật liệu hoàn thiện trên đường thoát nạn, gian phòng sử dụng chung, gian phòng hát karaoke..., không cần yêu cầu thử nghiệm tính nguy hiểm cháy cho vật liệu riêng từng công trình.

Tài liệu chứng minh vật liệu cần tương ứng với thời điểm cơ sở thẩm duyệt, đưa vào sử dụng.

ÁI NHÂN

Cần có lộ trình thực hiện

Chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh karaoke tại Đồng Nai cho biết nhiều người kinh doanh karaoke phải trả mặt bằng do không thể đáp ứng các quy định PCCC mới.

"Chúng tôi đầu tư hàng tỉ đồng, biết bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, khi áp các tiêu chuẩn, DN không thể kham nổi chi phí vì hầu như phải tháo dỡ quán ra để làm lại...", vị này nói.

Theo ông Châu Minh Nguyện - phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, việc siết lại các điều kiện, hoạt động PCCC là điều cần thiết từ sau vụ cháy ở Bình Dương.

Tuy nhiên, có những quy chuẩn PCCC khiến DN đóng cửa và cho công nhân nghỉ việc vì không đáp ứng nổi. Chẳng hạn, chi phí sơn chữa cháy, rồi chi phí đốt thử nghiệm quá cao. Do đó, theo ông Nguyện, nên có tính toán lại lộ trình cho DN khắc phục các biện pháp PCCC ở kho xưởng...

"Do không đáp ứng quy định, DN phải đóng cửa và người lao động mất việc. Tôi cho rằng cần lắng nghe những kiến nghị của DN và phải có lộ trình để DN khắc phục những tiêu chuẩn chưa đạt", ông Nguyện đề nghị.

SƠN ĐỊNH

Đại diện hệ thống karaoke ICOOL cho biết quán đã tháo các vật liệu ốp tường dễ bắt lửa thành xây bằng tường hoặc ốp inox, đảm bảo theo quy định PCCC - Ảnh: MINH HÒA

Đại diện hệ thống karaoke ICOOL cho biết quán đã tháo các vật liệu ốp tường dễ bắt lửa thành xây bằng tường hoặc ốp inox, đảm bảo theo quy định PCCC - Ảnh: MINH HÒA

Không thể "bóp nghẹt" hoạt động kinh doanh

Để gỡ vướng liên quan đến PCCC, ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Hợp Lực (chủ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực) - cho rằng với những công trình cũ, đã được cơ quan PCCC thẩm định trước đó, nên có thời gian hướng dẫn để DN điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới chứ không nên phạt hoặc bóp nghẹt hoạt động của DN.

Việc điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới về PCCC cũng chỉ nên yêu cầu trong phạm vi cho phép.

Bởi đa số công trình quán karaoke chỉ có mặt bằng rộng 5 - 6m, không thể mở rộng ra theo quy định mới. Nếu áp quy định mới, 70 - 80% quán phải dừng hoạt động. Do vậy, cần tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ được tiếp tục hoạt động, tạo việc làm và nộp ngân sách.

"Với những công trình xây dựng sau khi có quy định mới về PCCC, phải thực hiện đúng quy định. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem lại, sửa đổi những bất cập trong quy định PCCC cho phù hợp, vì ban hành một quy định mà bóp nghẹt hoạt động kinh doanh là không nên", ông Đệ khuyến nghị.

BẢO NGỌC

Nhiều hệ thống siêu thị phải đóng cửa?

Ông Nguyễn Viết Cường - chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tại quận Hải An, TP Hải Phòng - cho rằng văn bản số 240 về chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, được UBND TP Hải Phòng ban hành ngày 7-2-2023, đang khiến việc cấp phép an toàn PCCC càng trở nên khó khăn hơn.

Theo nội dung văn bản trên, sẽ chỉ cấp phép an toàn PCCC cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất và đúng giấy phép xây dựng, môi trường.

Nội dung này kết hợp với các quy định mới khiến phần lớn các đơn vị hoặc cá nhân đang thuê/đang sử dụng mặt tiền tuyến phố là đất nhà ở (không phải đất thương mại dịch vụ) với quy mô từ nhỏ đến lớn đều không có phương án tháo gỡ.

"Với quy định này, Hải Phòng đang có rất nhiều đơn vị không đủ điều kiện được thẩm định, cấp phép an toàn PCCC, kể cả các thương hiệu lớn như Winmart, Điện máy xanh, Thế giới di động... nếu là trường hợp thuê mặt bằng thuộc nhóm đất nhà ở đô thị", ông Cường nêu.

TIẾN THẮNG

Nhà dân vẫn phải có thiết kế PCCC?

Lãnh đạo một DN năng lượng cho biết các công ty điện lực đã yêu cầu bổ sung biên bản PCCC, hồ sơ về PCCC cho hệ thống điện mặt trời mái nhà hộ gia đình. Điều này khiến chủ đầu tư lại gặp khó do các công trình này không nằm trong danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Theo vị này, chỉ riêng tại khu vực phía Nam có 53.910 khách hàng điện mặt trời mái nhà, phần lớn là các hộ gia đình.

Do đó, không chỉ người dân gặp khó với yêu cầu biên bản PCCC cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, các cơ quan cảnh sát PCCC cũng sẽ bị quá tải trong việc tư vấn, hướng dẫn và thẩm duyệt thiết kế PCCC.

"Với điện mặt trời mái nhà, chỉ cần yêu cầu có tài liệu kỹ thuật đối với các tấm quang năng, máy biến áp, giấy chứng nhận xuất xưởng... thay vì yêu cầu PCCC", vị này đề nghị.

N.HIỂN

Gỡ vướng phòng cháy chữa cháy - Kỳ 1: Doanh nghiệp trước nguy cơ... đóng cửaGỡ vướng phòng cháy chữa cháy - Kỳ 1: Doanh nghiệp trước nguy cơ... đóng cửa

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về phòng cháy chữa cháy, tại nhiều địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn đình trệ do vướng mắc về phòng cháy chữa cháy.

Xem thêm: mth.98581928081403202-gnas-mal-tehc-ekoarak-nauq/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quán karaoke 'chết lâm sàng'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools