Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố GDP nước này tăng 4,5% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn quý trước (2,9%) và vượt dự báo của giới phân tích (4%).
Nhà đầu tư theo dõi sát số liệu quý I của Trung Quốc để đánh giá mức độ hồi phục của nước này sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ chính sách Zero Covid tháng 12 năm ngoái, đồng thời nới lỏng kiểm soát với ngành công nghệ và bất động sản.
"Số liệu này khá hợp lý với Trung Quốc, giúp họ bám sát mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay. Nó cũng giúp vực dậy niềm tin tại châu Á. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại số liệu quý vừa qua chỉ là sự hào hứng nhất thời sau khi tái mở cửa. Đà tăng này có thể chậm lại trong quý II và III", Matt Simpson – nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index nhận định. Năm nay, giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%.
Sự phục hồi của Trung Quốc đến nay vẫn chưa đều. Tiêu dùng, dịch vụ và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng tốc. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm trong ngân hàng tăng vọt làm dấy lên nghi ngờ về nhu cầu.
Giới chức Trung Quốc cam kết tăng hỗ trợ cho nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ USD này. Tuy nhiên, họ không còn nhiều dư địa chính sách do lo ngại làm tăng khối nợ. Năm ngoái, nước này tăng trưởng chậm nhất nhiều thập kỷ do các chính sách phong tỏa trong đại dịch.
Hôm 17/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tăng hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng thông qua công cụ cho vay trung hạn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trong trung hạn vẫn giữ nguyên, cho thấy giới chức không quá lo lắng về tăng trưởng.
Tháng trước, PBOC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng. Chính phủ nước này cũng đã công bố thêm biện pháp hỗ trợ tài khóa.
Số liệu công bố hôm nay cho thấy trong tháng 3, doanh số bán lẻ tăng 10,6% - lên cao nhất 6 tháng. Sản lượng tại các nhà máy cũng tăng tốc, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Đầu tư vào tài sản cố định trong 3 tháng đầu năm chậm lại, chỉ tăng 5,1% so với năm ngoái.
"Thị trường hiện vẫn lo ngại về sự bền vững của quá trình phục hồi kinh tế", Wen Bin – kinh tế trưởng tại China Minsheng Bank cho biết. "Sau khi gỡ bỏ các chính sách kiểm soát dịch, sản xuất về cơ bản đã quay về mức bình thường, nhưng nhu cầu vẫn còn yếu", người này nói thêm.
Hà Thu (theo Reuters)