Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam
Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng vào năm sau ở một số nước đang là chủ đề được cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam quan tâm. Đây là thỏa thuận của hơn 140 nước, với mức thuế tối thiểu thống nhất là 15%, đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn.
Sáng 18/4, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo đánh giá tác động của thuế này và lắng nghe các khuyến nghị cho Việt Nam.
Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Giả sử một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 12%, mức chênh lệch 3% còn lại, họ sẽ phải nộp về quốc gia nơi có trụ sở chính, ở đây là Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, hiện 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, ít nhất 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của loại thuế này. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì họ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng.
Sớm nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu
Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa (QDMT) để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Còn nếu không, toàn bộ số thu chênh lệch sẽ chuyển về các quốc gia khác.
"Rõ ràng họ vẫn phải nộp mà chúng ta lại mất đi phần đó. Thứ hai, chúng ta lại không theo kịp xu hướng hội nhập cuộc chơi toàn cầu. Thứ ba, chúng ta lại đánh mất đi cơ hội cải cách mạnh mẽ hơn nữa", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá.
Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài trong những năm đầu như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn... Theo tính toán, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%.
Bộ Tài chính cho biết sẽ áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam để thu hồi lại những ưu đãi trực tiếp từ thuế này hiện nay.
"Trước hết, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 này. Các giải pháp áp dụng ngay trong năm 2024 sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua trong phiên họp tháng 10 năm nay. Dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2024", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho hay.
Các đơn vị tư vấn cũng kiến nghị, sau khi xây dựng thuế tối thiểu nội địa, để Việt Nam không bị giảm sức hấp dẫn với doanh nghiệp FDI, cũng cần sớm có nhiều chính sách ưu đãi khác để bù lại.
Xây dựng các chính sách mới thu hút đầu tư nước ngoài
Trong khảo sát gần đây của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), khi được hỏi: Việt Nam nên làm thế nào để nào để cải thiện việc thu hút đầu tư? Có đến 70% thành viên trả lời Việt Nam cần cải thiện thủ tục hành chính, 53% muốn nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, 47% đề xuất đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, giấy phép lao động cho người nước ngoài. Ưu đãi thuế gần như là đứng cuối cùng với 28%. Có thể thấy, ưu đãi thuế không phải là công cụ quan trọng nhất trong thu hút dòng vốn ngoại. Do vậy, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách ưu đãi khác.
Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008, với quy mô lên đến 20 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu là 65 tỷ USD. Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, doanh nghiệp dự kiến sẽ phải nộp bổ sung một khoản thuế lớn. Trao đổi tại hội thảo, doanh nghiệp đề xuất, Việt Nam nhanh chóng xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính mới.
"Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo", ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, đề nghị.
Trước ý kiến hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp FDI, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này không phù hợp với luật pháp Việt Nam, cũng như quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, khi ràng buộc các quốc gia không được trả quyền lợi hay bất cứ hình thức hỗ trợ nào ngược lại cho các doanh nghiệp. Do đó, các khoản hỗ trợ chi phí khác có thể được xem xét.
"Các chi phí về giá điện có thể miễn giảm ở tỷ lệ nhất định. Có thể chúng ta giảm trừ chi phí về đào tạo cán bộ công nhân viên, an sinh xã hội cho việc thuê nhà, thuê xe vận chuyển công nhân đến nơi làm việc, hay tiền thuê ký túc xá", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nêu quan điểm.
Khi Việt Nam triển khai thuế tối thiểu nội địa (QMDT), chúng ta có thể dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó.
Ưu đãi thuế không phải là công cụ quan trọng nhất trong thu hút dòng vốn ngoại. Do vậy, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách ưu đãi khác. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tiền đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thì doanh nghiệp được hưởng lợi, họ mua công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ thuật. Chính sẽ tham gia đó sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn, giá thành rẻ hơn, giao hàng kịp thời hơn. Rõ ràng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng được hưởng lợi", ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định.
"Thái Lan đang dự kiến phân bổ 50 - 70% số thuế QDMT cho quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh của ủy ban đầu tư. Tôi nghĩ kinh nghiệm này của Thái Lan cũng rất tốt. Ít nhất là nó phù hợp với Việt Nam, khi người ta đang xây dựng, dự thảo để nó nằm trong tổng thể chung khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu", bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nêu ý kiến.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu và một số quốc gia châu Á đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nhà đầu tư lớn của Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, Việt Nam không thể chậm chân trong việc xây dựng các chính sách thích ứng với thuế này và thu hút đầu tư.
VTV.vn - Nếu Việt Nam tham gia thực hiện áp thuế tối thiểu toàn cầu thì cần sớm sửa đổi ít nhất 3 đạo luật và sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26874800091403202-uac-naot-ueiht-iot-euht-iov-gnu-hciht-gnourt-nahk/et-hnik/nv.vtv