Bà Đinh Thị Hồng Sương chia sẻ góc nhìn về sàn giao dịch công nghệ - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 19-4, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm "Kết nối chuyên gia tìm kiếm mô hình Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM".
TP.HCM đang được giao xây dựng đề án kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại TP.HCM với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ở các tỉnh Đông Nam Bộ.
Có thể hình dung đây như một "siêu sàn" giao dịch khoa học công nghệ chung của các tỉnh miền Đông.
Bà Đinh Thị Hồng Sương - đại diện Công ty D&H Retek USA - chia sẻ sau khi tham gia một số sàn giao dịch, bà nhận thấy dưới góc độ của doanh nghiệp, việc mua công nghệ trên các sàn này có phần chưa hiệu quả.
Vấn đề ở chỗ niềm tin của doanh nghiệp cho các công nghệ được chào bán trên sàn. Rất nhiều lúc doanh nghiệp không thể biết được rõ các công nghệ trên sàn có thể được ứng dụng đến đâu, đưa vào thị trường mang lại lợi ích gì?
Đặc biệt, bà Sương đặt câu hỏi ai sẽ đứng ra bảo đảm chất lượng cho các công nghệ trên sàn? Nhiều trường hợp khi bắt tay vào triển khai thực tế, bên có công nghệ lại không thiện chí hỗ trợ bên mua công nghệ.
"Từ khâu nghiên cứu đến sản xuất ra thị trường, chúng tôi cần một nơi kết nối tin cậy. Hãy chào cho chúng tôi những công nghệ nào thiết thực nhất, gần gũi, có thể ứng dụng được", bà Sương nói.
Tiến sĩ Ngô Đắc Thuần nên một số góp ý - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tiến sĩ Trần Minh Quang - giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nêu góc nhìn đơn vị "bảo đảm" cho các công nghệ trên sàn giao dịch nên là Sở Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, cần xác định rõ những gì sẽ được giao dịch trên sàn: thiết bị, bằng sáng chế hay quy trình sản xuất… Mỗi loại sản phẩm cần hành lang pháp lý cụ thể.
Từng tiếp xúc với nhiều sàn giao dịch công nghệ trong nước và tại Thung lũng Silicon (Mỹ), tiến sĩ Ngô Đắc Thuần - chủ tịch Công ty IP Group TP.HCM - cho rằng điều còn thiếu trong các sàn ở Việt Nam là một đội ngũ mạnh về công nghệ.
Đội ngũ này có trách nhiệm kiểm tra các công nghệ của những bên muốn lên sàn, để thực sự xem những công nghệ chào bán có gì mới mẻ trong nước và thế giới.
Nếu công nghệ thật sự có giá trị, đội ngũ này lại tiếp tục hỗ trợ kết nối với bên doanh nghiệp có nhu cầu mua.
Họ sẽ tư vấn doanh nghiệp biết nên có thể chuyển giao phần nào trong công nghệ, áp dụng được những gì?
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng ở một số quốc gia, nhiều sàn giao dịch công nghệ đã được phát triển thành những kênh gọi vốn cộng đồng như Kickstarter hay Indiegogo.
Trên đó, những người có ý tưởng mới, nhất là về công nghệ, có thể gọi vốn từ cộng đồng để triển khai dự án của mình.
Theo ông Huân, đây cũng là hướng mà các sàn giao dịch ở Việt Nam có thể cân nhắc.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho rằng mô hình sàn giao dịch có thể dựa vào nền tảng Techport đã có sẵn.
Về vận hành, ông Dũng nêu quan điểm Nhà nước nên giữ đúng vai trò kiến tạo. Nhà nước sẽ không "lo" mọi thứ, từ gọi vốn đến kiểm tra tất cả công nghệ trên sàn giao dịch.
Ông Dũng cho rằng Nhà nước nên tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối các bên liên quan đến với sàn giao dịch. Trong đó, chỉ khi người bán và người mua công nghệ có thói quen vào sàn giao dịch thì sàn mới có thể "sống" tốt.
TTO - Sàn giao dịch công nghệ trong lĩnh vực thực phẩm - sinh học - vi sinh ra mắt sáng 25-4 nhằm tận dụng nông sản trái cây của Việt Nam để quảng bá, thương mại hóa, góp phần giúp nông dân không còn rơi vào cảnh 'được mùa mất giá'.
Xem thêm: mth.84623504191403202-oab-mad-coun-ahn-coud-nac-ehgn-gnoc-hcid-oaig-nas/nv.ertiout