Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã có dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ đóng góp gấp đôi Mỹ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến năm 2028.
Nhận định này đã khiến nhiều người nghĩ về một tương lai khi Trung Quốc soán ngôi vị số 1 của Mỹ trong nền kinh tế. Việc chính quyền Washington tung ra những gói chi tiêu khủng lên đến 2 nghìn tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, chạy đua công nghệ với Trung Quốc càng khiến người dân lo lắng hơn.
Tờ Economist cho biết hiện 4/5 số người dân Mỹ được khảo sát lo lắng thế hệ con cháu họ sẽ ở vào giai đoạn kinh tế tồi tệ hơn so với hiện nay. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 khi 2/3 số người dân được hỏi bi quan về nền kinh tế nước nhà.
Thậm chí, sự bi quan này chỉ diễn ra lần cuối vào cuộc khủng hoảng 2008 khi các thị trường chứng khoán, bất động sản xì hơi.
Tuy nhiên theo Economist, người dân Mỹ có lẽ đang quá bi quan vào sự nhiệm màu của nền kinh tế số 1 thế giới. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia giàu nhất toàn cầu với các chỉ số về sản lượng và đổi mới công nghệ thuộc hàng “top”. Thậm chí nếu so sánh cụ thể, nền kinh tế Mỹ đang bỏ xa những quốc gia còn lại để “hít bụi”.
Số 1 thế giới
Vào năm 1990, Mỹ chiếm ¼ tổng GDP theo tỷ giá hối đoái trên toàn cầu và tỷ lệ này cho đến ngày nay vẫn không thay đổi nhiều cho dù Trung Quốc đang liên trục trỗi dậy. Năm 2022, tổng GDP của Mỹ đạt 25,5 nghìn tỷ USD theo sức mua tương đương (PPP), chiếm 25% tổng số trên toàn cầu, cao hơn mức 18% của Trung Quốc.
Nếu tính trong nhóm các nước công nghiệp G7, Mỹ hiện chiếm 58% tổng GDP danh nghĩa, cao hơn mức 40% của năm 1990, qua đó cho thấy sức mạnh vượt trội của nền kinh tế số 1 thế giới trong giới các nước nhà giàu. Nếu tính theo PPP, tỷ lệ này là từ 43% tăng lên 51% trong cùng kỳ.
Mức thu nhập bình quân tại Mỹ cũng tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều so với Châu Âu và Nhật Bản. Nếu tính theo PPP, bang nghèo nhất của Mỹ là Mississippi cũng đã vượt 50.000 USD thu nhập bình quân, còn cao hơn cả mức trung bình toàn nước Pháp.
Năm 1990, thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ cao hơn 24% so với Châu Âu và hơn 17% so với Nhật Bản theo PPP. Hiện nay tỷ lệ này tương ứng là cao hơn 30% và 54%.
Thậm chí tờ Economist đánh giá chỉ những nước giàu dầu mỏ hay là trung tâm tài chính thế giới mới có thể hưởng thụ một mức thu nhập bình quân đầu người theo PPP cao đến như vậy. Để so sánh thì mức thu nhập bình quân của một tài xế lái xe tải tại bang Oklahoma còn cao hơn cả một bác sĩ tại Bồ Đào Nha.
Đi kèm với thu nhập là sức tiêu dùng. Nếu người Anh chi tiêu nhiều bằng 80% người Mỹ năm 1990 thì đến năm 2021, tỷ lệ này chỉ còn 69%.
Tổng số lao động tại Mỹ hiện nhiều hơn 1/3 so với thời kỳ năm 1990, trong khi con số này chỉ là 1/10 cùng kỳ ở Tây Âu và Nhật Bản. Phần lớn những lao động này đều có trình độ đại học hoặc cao hơn.
Mặc dù lao động tại Mỹ làm việc nhiều giờ hơn so với bình quân tại Châu Âu và Nhật Bản nhưng năng suất của họ cũng cao hơn.
Bình quân mỗi lao động Mỹ làm 1.800 giờ hàng năm (36 tiếng/ngày, mỗi tuần 4 ngày), cao hơn 200 giờ so với trung bình tại Châu Âu nhưng ít hơn 500 giờ tại Trung Quốc. Tuy nhiên trong khoảng 1990-2022, năng suất lao động của Mỹ tăng tới 67%, Châu Âu chỉ là 55% còn Nhật Bản là 51%.
Về công nghệ, Mỹ hiện sở hữu hơn 1/5 tổng số đăng ký bản quyền tại nước ngoài, nhiều hơn cả Trung Quốc và Đức cộng lại. Bảng xếp hạng 5 công ty đổ nhiều nguồn lực cho nghiên cứu phát triển (R&D) nhất thế giới cũng đến từ Mỹ với khoảng 200 tỷ USD trong năm vừa qua.
Hàng loạt những công nghệ làm thay đổi thế giới từ máy tính cá nhân, iphone, trí thông minh nhân tạo hiện nay đều đến từ Mỹ.
Thậm chí nếu nhà đầu tư bỏ 100 USD vào S&P 500 năm 1990 thì nay họ sẽ có 2.300 USD, nhưng cùng một số tiền đó nếu đổ vào bất kỳ thị trường chứng khoán phát triển nào trên thế giới, không bao gồm các cổ phiếu Mỹ, thì chỉ thu được 510 USD bình quân trong cùng kỳ.
Mặc dù nhiều người cho rằng chế độ phúc lợi của Mỹ chưa thực sự tốt nhưng chi tiêu cho an sinh xã hội tính theo % GDP của nền kinh tế số 1 thế giới đang ngày một tiệm cận so với Châu Âu. Ưu đãi thuế cho người lao động có con nhỏ ngày càng nhiều, bảo hiểm sức khỏe cho người nghèo được mở rộng, nhất là từ thời kỳ Tổng thống Barack Obama.
Năm 1979, phúc lợi xã hội với thu nhập trước thuế chỉ chiếm 1/3 số người nghèo ở Mỹ nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 2/3 vào năm 2019. Nhờ đó mà thu nhập của 1/5 người nghèo nhất Mỹ đã tăng 74% kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ cao hơn so với Anh.
Tuy nhiên để lặp lại được những phép màu này không hề dễ dàng, cho dù là với Trung Quốc hay Ấn Độ.
Phép màu
Tờ Economist nhận định quy mô rộng lớn của thị trường Mỹ là một trong những ưu thế cực kỳ lớn cho phép màu kinh tế này. Thị trường tiêu dùng cực lớn của Mỹ đã giúp bù lại các chi phí cho R&D, đồng thời tạo thuận lợi cho việc gọi vốn lượng lớn để tái đầu tư.
Để so sánh, chỉ Trung Quốc và có lẽ là Ấn Độ trong tương lai là có đủ sức mua với quy mô tương đương trong khi các thị trường khác khó có thể lặp lại điều này.
Lấy ví dụ Châu Âu, cho dù cố gắng thì việc trở thành một thị trường thống nhất như Mỹ là điều không thể với quá nhiều thành viên, quá nhiều lợi ích nhóm. Sự khác biệt về luật pháp, rào cản thị trường, văn hóa...khiến Châu Âu khó lòng hòa hợp được như các bang ở Mỹ.
Tiếp theo, vấn đề lao động là một ưu điểm nữa. Để so sánh với các nước giàu khác thì Mỹ có dân số trẻ hơn, tỷ lệ sinh cao hơn dù nếu so sánh với Trung Quốc và Ấn Độ thì những chỉ số này chẳng có gì ấn tượng.
Trong khoảng 1990-2022, dân số trong độ tuổi lao động 25-64 tại Mỹ đã tăng 38% lên 175 triệu người, trong khi tại Châu Âu chỉ tăng 9% lên 102 triệu người.
Dẫu vậy, Economist công nhận rằng do vị thế của mình mà Mỹ luôn thu hút được những nhân tài của thế giới. Năm 2021, khoảng 17% số lao động của Mỹ là dân nhập cư, cao hơn nhiều so với chỉ 3% của Nhật Bản.
Thế rồi Mỹ cũng đầu tư rất lớn cho nhân lực. Tờ Economist cho biết lượng ngân sách Mỹ đầu tư cho bình quân mỗi học sinh cao hơn 37% so với mức trung bình của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nếu chỉ tính các sinh viên đại học và học nghề thì tỷ lệ này là gấp đôi.
Thậm chí hiện 11/15 trường đại học tốt nhất trên thế giới hiện nay là nằm ở Mỹ.
Cuối cùng môi trường kinh doanh của Mỹ rất năng động. Việc khởi nghiệp tại Mỹ cực kỳ dễ dàng, đồng thời với đó là các tiến trình tái cấu trúc thông qua phá sản cũng cực kỳ thuận lợi, giúp các nhà khởi nghiệp không chịu quá nhiều tổn thương. Tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ vào khoảng 170% GDP, cao hơn nhiều nước trên thế giới, trong khi một nửa vốn đầu tư mạo hiểm hiện nay trên toàn cầu được đổ vào các startup Mỹ.
Thế rồi sự linh hoạt của thị trường lao động khiến mô hình kinh doanh, làm việc có thể thích ứng được với những nhu cầu thay đổi liên tục của môi trường.
Ví dụ gần đây nhất là việc rất nhiều nhân viên bị sa thải hàng loạt bởi các hãng công nghệ lớn như Alphabet đã chuyển sang xin việc khác hoặc thậm chí là tự khởi nghiệp. Trái lại tại Châu Âu, các tập đoàn công nghệ đang gặp khó khăn rất lớn trong việc đàm phán sa thải, đồng thời phải đắn đo rất nhiều về vấn đề tuyển dụng thêm vì sẽ khó đuổi việc dưới các quy chế luật lao động cực kỳ chặt chẽ.
Tất nhiên nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều thách thức như tỷ lệ nam giới trung niên thất nghiệp đang tăng lên cao hơn so với Anh, Pháp Đức hay tuổi thọ người dân giảm xuống nhanh (77 tuổi, thấp hơn 5 tuổi so với so với mức bình quân các nước phát triển) vì những vấn đề như ma túy, súng đạn...
Thế rồi khi niềm tin của người tiêu dùng bi quan thì chắc chắn thị trường cũng như các chính sách của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng. Từ một nền kinh tế mở cửa thịnh vượng, Mỹ hiện đang dần chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và hạn chế lao động nhập cư.
Các gói thúc đẩy, trợ cấp kinh tế với tổng trị giá 2 nghìn tỷ USD, tương đương 10% GDP của chính quyền Washington có thể tạo động lực trong ngắn hạn nhưng nếu kéo dài, chúng có thể tạo nên những hệ lụy như tạo ra sự lãng phí, sinh lời cho việc vận động hành lang.
Thế rồi áp lực trỗi dậy của Trung Quốc cũng là một yếu tố nữa khiến Mỹ phải đối mặt với các thách thức mới.
*Nguồn: The Economist