Ngày 13-3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo "lệnh cấm đánh bắt cá thường niên" 2023 ở bốn vùng biển xung quanh nước này là Biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải.
Trang Xinde Marine News trích thông báo cho biết "lệnh cấm" tại Biển Đông sẽ bao trùm vùng biển từ vĩ tuyến 12 đến phía bắc đảo Đài Loan.
Điều đáng nói, khu vực này gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. "Lệnh cấm" sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 12h trưa 1-5 đến 12h trưa 16-8-2023.
Lệnh cấm của Trung Quốc là trái phép
Trả lời câu hỏi về vấn đề trên trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 20-4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá "trái phép" của Trung Quốc là nhất quán và đã được nhiều lần khẳng định rõ trong các năm qua.
"Lệnh cấm đánh bắt cá này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo UNCLOS 1982", ông Việt nhấn mạnh.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam và không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Việt Nam đã nhiều lần phản đối các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc suốt nhiều năm qua.
Cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có nhiều văn bản phản đối Trung Quốc, đồng thời động viên ngư dân bám biển, sản xuất bình thường trong vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông, khi được hỏi về thông tin tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.