Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung tại Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của ngành Ngân hàng; Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong ngành Ngân hàng, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các chỉ tiêu, biện pháp, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai thực hiện. Mặt khác, tổ chức phong trào thi đua hiệu quả, phấn đấu xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng
Kế hoạch nêu rõ, chủ động rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát;
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ân rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình ngân hàng số, tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, hệ thống với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị về công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ mới vào quy trình quản lý nội bộ và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng, đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thi đua đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng trong ngành Ngân hàng, đảm bảo hiệu quả, chất lượng đầu tư, hoàn thành đúng tiến độ hoặc vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của Ngành.
Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo đó, thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhiệm vụ: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước; mua sắm, xây dựng, quản lý sử dụng tài sản nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại các TCTD, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ, hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất – kinh doanh và chi phí quản lý.
Bên cạnh đó, thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên từ khâu lập kế hoạch và chi tiêu trong phạm vi dự toán/mức kinh phí được giao; khuyến khích việc khoán chi phí đến từng phòng/ban/bộ phận trực thuộc đơn vị hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong hoạt động ngân hàng để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, thời gian lao động tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng.
Một số giải pháp thực hiện
Trên cơ sở nội dung thi đua, Kế hoạch cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của NHNN về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng;
Cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Ngân hàng căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo và triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, tránh hình thức, lãng phí; chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua theo đúng tiến độ.
Các đơn vị trong Ngành tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc NHNN về chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngàn Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… gắn với thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm, giai đoạn.
Các cơ quan thông tin, báo chí trong ngành Ngân hàng căn cứ đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để có các hình thức tuyên truyền phù hợp với nội dung phong trào thi đua.
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp phân công trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề ra tiến độ thực hiện, về công tác khen thưởng và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua.
Quyết định số 452/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2023.
Đ.Khôi
Xem thêm: 410865VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www