Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti, là lãnh đạo của Lực lượng bán quân sự hỗ trợ nhanh RSF.
Cuộc nội chiến bùng phát hiện nay giữa hai lực lượng quân sự của Sudan: Một bên là Tướng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan, chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp. Bên đối đầu là Tướng Hemedti - lãnh đạo lực lượng bán quân sự RSF, đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp.
Căng thẳng giữa hai bên đã kéo dài nhiều tháng nay, không chỉ xoay quanh cách thức sáp nhập RSF vào quân đội, mà còn là chuyện đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước theo như thỏa thuận ký vào tháng12-2022 được quốc tế ủng hộ. Thỏa thuận hướng tới thành lập một chính quyền dân sự chuyển tiếp trong 2 năm, cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức.
Tướng Hemedti và những nấc thang quyền lực
Đến từ vùng ngoại vi phía tây xa xôi của Sudan, lực lượng RSF chỉ trong một thập kỷ đã trở thành thế lực thống trị ở Khartoum. Tướng Hemedti cũng trở thành gương mặt đại diện cho môi trường chính trị đầy bạo lực của Sudan.
Ông nội của Tướng Hemedti là thủ lĩnh của một tiểu tộc du mục khắp các đồng cỏ của Cộng hòa Chad và Darfur, vùng phía tây Sudan. Những thanh niên từ nhóm chăn lạc đà, không có đất và bị gạt ra bên lề xã hội này trở thành cốt lõi của lực lượng dân quân Ả Rập, dẫn đầu cuộc phản công của Khartoum ở Darfur từ năm 2003.
Tướng Hemedti không được học hành chính quy. Danh hiệu "tướng quân" được cựu tổng thống Omar al-Bashir trao dựa trên trình độ thành thạo của ông với tư cách là chỉ huy trong Lữ đoàn Janjaweed ở Nam Darfur vào đỉnh điểm của cuộc chiến 2003-2005 (giữa quân đội Sudan và các phiến quân sắc tộc thiểu số)
Vài năm sau, ông lại tham gia một cuộc binh biến chống lại chính phủ, đàm phán liên minh với phiến quân Darfurian và đe dọa tấn công thành phố Nyala do chính phủ nắm giữ.
Nhưng ngay sau đó, ông Hemedti đã bắt tay trở lại với chính phủ Khartoum. Ông được thăng cấp tướng và nhận một khoản tiền mặt hậu hĩnh.
Sau khi trở lại biên chế Khartoum, Tướng Hemedti đã chứng tỏ lòng trung thành của mình với cựu tổng thống Omar al-Bashir, người cai trị Sudan từ năm 1993 đến tháng 4-2019, trước khi bị lật đổ. Ông al-Bashir rất quý mến ông Hemedti. Đôi khi ông al-Bashir đối xử với Tướng Hemedti như con trai.
Khi ông al-Bashir yếu thế, ông Hemedti đã đứng về phe Tướng Abdel Fattah al-Burhan - chỉ huy quân đội Sudan - tham gia lật đổ ông al-Bashir và tham gia phong trào chuyển đổi Sudan sang nền dân chủ.
Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, hai vị tướng này đã xung đột quyền lực và cuộc nội chiến đã nổ ra.
Một đất nước như "nằm trong túi" của Hemedti
Ông Hemedti đã khéo léo sử dụng sự nhạy bén trong thương mại và năng lực quân sự của mình để xây dựng RSF thành một lực lượng hùng mạnh hơn cả nhà nước Sudan đang suy tàn.
Năm 2017, một đạo luật riêng về lực lượng RSF đã được chính quyền Khartoum ban hành. Theo đó, RSF được quy định là một thực thể riêng biệt trong thành phần của các lực lượng vũ trang Sudan, chỉ nhận mệnh lệnh từ tổng chỉ huy tối cao quân đội (tức cựu tổng thống al-Bashir).
RSF hiện có khoảng 100.000 binh sĩ vũ trang, với nguồn tài chính dồi dào thông qua việc sở hữu các mỏ vàng và khoáng sản ở Sudan - nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Sudan.
Mặt khác, sau một thời gian dài dưới thời cựu tổng thống al-Bashir, lực lượng bán quân sự RSF thường xuyên được sử dụng để tham gia chiến đấu thực sự trong các cuộc chiến tranh của Sudan trong và ngoài nước, quân đội Sudan như bị gạt bên lề.
RSF là chủ sở hữu của những bất động sản xa hoa ở Khartoum, với xe tăng, pháo binh và máy bay đầy ấn tượng. Nhưng RSF có ít đơn vị bộ binh thiện chiến.
Ngày 21-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo, kể từ khi nổ ra chiến sự từ ngày 15-4 đến nay, tại Sudan đã có hơn 400 người thiệt mạng và hơn 3.500 người bị thương
Trong khi đó, theo Hãng tin Reuters, lực lượng RSF cho biết họ đồng ý với lệnh ngừng bắn 72 giờ vì các lý do nhân đạo, có hiệu lực từ 6h (giờ địa phương) ngày 21-4.
Quân đội Sudan chưa đưa ra bình luận gì về tuyên bố trên của RSF.
Các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày 21-4.
TTO - Ông Abdalla Hamdok tuyên bố từ chức thủ tướng Sudan dù mới được phục chức không lâu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến biểu tình chết người ở Khartoum và các thành phố khác.
Xem thêm: mth.63391138191403202-nadus-o-uam-mad-neihc-ion-couc-uas-gnud-iougn-itdemeh-gnout/nv.ertiout