Trong một thông cáo, bà Choe Son Hui phản ứng mạnh với tuyên bố của các ngoại trưởng G7 gần đây rằng "Triều Tiên không thể có tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân".
Khẩu khí cao ngất trời
Theo bà Choe, "việc Triều Tiên nay là một quốc gia có vũ khí hạt nhân không phải là điều được ban cho hay công nhận bởi bất kỳ ai" và là "một thực tế hiển nhiên và không thể phủ nhận cho dù Mỹ và phương Tây có không công nhận điều đó trong một trăm hay một nghìn năm nữa".
Khẩu khí cao ngất trời của Bộ trưởng Choe có cơ sở vững chắc là vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn mới Hwasong-18 vào hôm 13-4, một "bước tiến vĩ đại" đến mức Khaled Khiari, trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, trong phiên họp Hội đồng Bảo an (HĐBA) hôm 17-4, đã đặc biệt lưu ý rằng tên lửa nhiên liệu rắn không cần phải tiếp nhiên liệu trước khi phóng và do đó có thể phóng rất nhanh.
Tất nhiên, ông Khiari không chỉ nhấn mạnh có tên lửa trên mà cả quá trình "xé rào" gần đây của Bình Nhưỡng: "Nước này tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển quân sự 5 năm, trong đó bao gồm việc theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng đã tăng cường đáng kể các hoạt động phóng tên lửa vào năm 2022 và 2023, hơn 80 lần sử dụng kỹ thuật tên lửa đạn đạo".
Hậu quả rất đáng ngại: "Hầu hết các hệ thống được thử nghiệm đều có khả năng tấn công các quốc gia trong khu vực, trong khi những hệ thống được thử nghiệm vào các ngày 18-2, 16-3, 13-4 có thể vươn tới hầu hết các điểm trên Trái đất".
Ông Khiari phán định, trên cơ sở các nghị quyết trừng phạt của HĐBA Liên Hiệp Quốc từ nghị quyết 1717 tới nghị quyết 2379, cấm tuyệt đối Triều Tiên xúc tiến các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Các nghị quyết đó, mà nghị quyết cuối là 2379, đã được HĐBA Liên Hiệp Quốc (trong đó có Nga và Trung Quốc) đồng thanh nhất trí vào hôm 22-12-2017.
Đối đầu leo thang
Bối cảnh nay đã khác, Nga tháng này làm chủ tịch HĐBA luân phiên. Biên bản cuộc họp của HĐBA hôm 17-4 ghi rõ: "Vasily A. Nebenzia (Nga), chủ tịch HĐBA tháng 4, phát biểu với tư cách quốc gia, lưu ý rằng năm nay cơ quan này đã được một số quốc gia yêu cầu thảo luận về Triều Tiên năm lần. Ông kiên quyết phản đối việc tổ chức các cuộc họp của hội đồng theo cách này vì mục đích tuyên truyền".
Theo ông Nebenzia, một số quốc gia thành viên lập luận rằng có những lo ngại nghiêm trọng về các sự kiện gần đây trên bán đảo Triều Tiên và rằng tình hình thực sự vô cùng căng thẳng, song "Hôm nay chúng tôi cũng không nghe được điều gì mới".
Đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân cho biết căng thẳng vẫn tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên với các cuộc đối đầu leo thang.
Ông nhận xét vấn đề bán đảo Triều Tiên là di sản của Chiến tranh lạnh, đồng thời nói thêm rằng Triều Tiên đã phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh to lớn và căng thẳng sinh tồn. Trong nhiều thập niên, những mối quan tâm chính đáng của Triều Tiên đã bị từ chối sự chú ý mà nước này lẽ ra đáng được hưởng.
Phát biểu của đại diện Nga - Trung Quốc tại phiên họp ngày 17-4 hàm ý cho thấy việc Triều Tiên có tên lửa là điều chính đáng.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên đường sang Washington - một chuyến thăm đã được loan báo trước đó một tháng rưỡi là để kỷ niệm 70 năm quan hệ Mỹ - Hàn.
Vấn đề cũng là vấn đề cũ, cuộc khủng hoảng cũng cũ, hai ông Yoon và Biden cũng đã từng mấy lần gặp nhau. Chỉ có khác là bối cảnh rộng lớn có thay đổi, trong đó Hàn Quốc có phần góp vào sự phòng vệ của châu Âu khi cho phép Ba Lan xuất khẩu lựu pháo Krab có bộ phận do Hàn Quốc sản xuất cho Ukraine.
Trong góc độ đó, Hàn Quốc dĩ nhiên sẽ nhận nhiều lời đe dọa từ những bên thứ ba.
Căng thẳng ngoại giao giữa Hàn với Nga - Trung
Những căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc, Nga với Hàn Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc sau bài phỏng vấn độc quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với Hãng tin Reuters ngày 19-4.
Bài phỏng vấn nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho chuyến thăm Mỹ của ông Yoon vào đầu tuần sau nhưng đã thổi bùng lửa giận khi đụng đến hai vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc và Nga là Đài Loan và Ukraine.
Trong đó, ông Yoon cho rằng vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục là vấn đề toàn cầu, giống như vấn đề giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Ông cũng tuyên bố phản đối thay đổi hiện trạng giữa hai bờ eo biển Đài Loan bằng vũ lực.
Quan điểm này có phần tương đồng với cách tiếp cận của Mỹ là chống lại việc tái thống nhất bằng vũ lực dù nó được khởi xướng từ bất kỳ bên nào.
Trong cuộc họp báo ngày 20-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc và các nước khác không nên lên tiếng về việc gì nên làm hay không nên làm.
Phản ứng của Bắc Kinh lập tức khiến Seoul tức giận và triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc đến để phản đối. Theo phía Hàn Quốc, hành động của Bắc Kinh là một sự "bất lịch sự" trong ngoại giao.
Cuộc phỏng vấn của Tổng thống Yoon cũng làm bùng căng thẳng với Nga, khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc ám chỉ Seoul có thể viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine nếu xảy ra tình huống "cộng đồng quốc tế không thể tha thứ".
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã đáp trả bằng lời đe dọa sẽ chuyển vũ khí mới nhất của nước này đến Triều Tiên.
DUY LINH
Bác phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol rằng cả Đài Loan và Triều Tiên là vấn đề toàn cầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Seoul thận trọng.
Xem thêm: mth.86813708022403202-aod-ed-ueihn-auig-ym-maht-couq-nah-gnoht-gnot/nv.ertiout