Nội dung này trong Thông tư 02 vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, trước diễn biến khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Điều kiện áp dụng là các khách hàng gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng khó trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Các khoản vay được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ nay đến hết 30/6/2024. Các khách hàng diện này cũng được giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ).
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được toàn quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chính sách này được kỳ vọng góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.
Chính sách cơ cấu nợ từng được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc cuối tháng 6/2022. Với thông tư mới, đây là lần thứ hai trong ba năm Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.
Theo đánh giá của giới ngân hàng, doanh nghiệp hiện nay thậm chí đang khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải cầm cự hoạt động trong bối cảnh lực cầu giảm. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng đang gặp khó khăn rất lớn khi mắc kẹt về dòng tiền.
Minh Sơn