Năm 1974, khi biết Hugh Callaghan nhút nhát và rất sợ chó, cảnh sát đã đưa chó nghiệp vụ vào phòng giam của Hugh Callaghan và ra lệnh cho chúng tấn công ông, chỉ giữ chúng lại ở những giây phút cuối cùng.
Hugh Callaghan là một trong 6 người đàn ông bị kết án oan trong vụ án oan sai được cho là "nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Anh". Giờ đây khi đã 92 tuổi, ngồi trong ngôi nhà yên bình ở London cùng người bạn đời của mình, nhớ lại giây phút đó, ông Hugh Callaghan dường như vẫn còn nguyên nỗi sợ: "Tôi vẫn gặp ác mộng về chuyện đó".
Vợ ông, bà Adeline, chia sẻ, có nhiều đêm ông ấy thức dậy nhiều lần và la hét. Đến giờ, nếu gặp một con béc-giê trên đường, Callaghan sẽ tìm mọi cách trốn nó.
Đây chỉ là một trong nhiều chi tiết khủng khiếp của vụ án Birmingham Six, trong đó, 6 người đàn ông (gồm John Walker, Paddy Hill, Hugh Callaghan, Richard McIlkenny, Gerry Hunter và William Power) đã phải ngồi tù suốt 16 năm vì một tội ác mà họ không hề thực hiện.
Điều gây sốc không chỉ là 16 năm tù oan mà còn là nỗ lực không mệt mỏi của cảnh sát, một số thẩm phán và cả truyền thông trong việc tìm mọi cách ép cung, liên tục kết tội 6 người này suốt hơn một thập kỷ, bất chấp việc xuất hiện ngày càng nhiều bằng chứng khẳng định họ vô tội.
Những thông tin sai lệch từ cảnh sát và truyền thông đã khiến dư luận tin rằng 6 người đàn ông này thực sự là thủ phạm vụ đánh bom gây chấn động nước Anh gần 50 năm trước.
Vụ đánh bom quán rượu
Ngày 21/11/1974, hai quả bom đã phát nổ trong hai quán rượu ở trung tâm Birmingham (Anh), giết chết 21 người và làm bị thương 182 người. Đây là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh.
Callaghan khi đó đang uống rượu ở một quán bar khác gần đó, đã bị bắt ngay trước cửa nhà vào tối hôm sau. Ông cùng 5 người còn lại đã bị cảnh sát đánh đập và đe dọa, không cho ăn, không cho ngủ, ép cung cho đến khi chịu ký nhận tội.
Năm 1975, cả 6 người đàn ông bị đưa ra xét xử dù họ liên tục kêu oan. Callaghan khăng khăng nói ông đã bị ép cung, thậm chí cảnh sát còn bịa đặt lời khai của ông, nhưng thẩm phán không hề nghe ông nói.
Đầu tiên Callaghan bị đưa đến nhà tù Winson Green. "Nhà tù đó là một nơi khó sống. Tôi bị đánh vài lần bởi quản ngục. Những tù nhân khác cũng không thích tôi vì họ tin rằng tôi thực sự là kẻ đã gây ra vụ đánh bom đẫm máu đó", người đàn ông kể ông bị hất trà nóng và bị ném lon thức ăn vào mặt.
Sáu người đàn ông mang tội đánh bom sau đó được giam tách biệt để tránh sự bạo hành của các tù nhân khác. Sau này, khi có tin đồn rằng cả 6 người đang chịu án oan, các tù nhân khác đã đối xử với họ tốt hơn.
Một nhà báo đi tìm sự thật
Câu chuyện Birmingham Six không chỉ là một vụ án oan sai cho thấy những hành vi sai trái cực đoan của cảnh sát. Điều khiến nó trở nên khủng khiếp hơn là hành động của một bộ phận những người làm trong ngành tư pháp thời đó, những người dường như quan tâm đến việc duy trì danh tiếng của hệ thống tư pháp hơn là đi tìm kiếm sự thật.
Nhưng có một người luôn kiên định tin vào sự vô tội của 6 người đàn ông này và miệt mài đấu tranh cho sự thật. Đó là cựu nghị sĩ, nhà báo Chris Mullin.
Năm 1987, Mullin đã đưa ra hàng loạt chứng cứ chứng minh sự vô tội của 6 người đàn ông trong loạt phim tài liệu World in Action của Granada TV. Nhờ đó vụ án được đưa trở lại tòa phúc thẩm. Những sai sót trong quá trình điều tra của cảnh sát và pháp y được nêu ra song điều này là chưa đủ đối với chánh án Lord Lane. "Vụ án này càng kéo dài, tòa án càng tin chắc rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn là đúng", ông này nói.
Nhà báo Mullin không nản chí. Ông tiếp tục đi tìm kiếm những nhân chứng và bằng chứng mới. Cuối cùng cả 6 người được minh oan. Tháng 3/1991, 6 người cùng với nhà báo Mullin bước ra khỏi Tòa án Hình sự Trung ương, tay giơ cao, ngất ngây trong niềm vui đòi được công lý.
Năm 1993, một vụ án chống lại 3 trong số các cảnh sát điều tra 6 người đã bị hủy bỏ một cách đầy tranh cãi.
Trong khi đó, cảnh sát vẫn không có bất kỳ bước tiến nào trong việc tìm ra thủ phạm thực sự của vụ đánh bom. Cảnh sát bám lấy Mullin, buộc ông phải tiết lộ danh tính của một trong những kẻ đánh bom thực sự, người mà ông đã hứa giữ bí mật hoàn toàn về danh tính để đổi lấy thông tin giúp minh oan cho sáu người đàn ông bị tù oan.
Mullin từ chối bằng lập luận rằng việc bảo vệ các nguồn tin là điều cần thiết đối với nghề báo, và nếu không có điều đó thì ông đã không thể khám phá ra sự thật về vụ án oan này.
Năm 2019, cảnh sát đã đệ đơn xin lệnh của tòa án đối với Chris Mullin, kiện ông tội không tiết lộ danh tính thật sự của kẻ đánh bom. Tuy nhiên phiên tòa vào tháng 3/2022 đã ra phán quyết chấp thuận cho Mullin được phép giữ kín danh tính nguồn tin của mình, bất kể đó là ai.