Năm năm qua, vợ chồng ông Hồng Thanh Bạch đã gửi nhiều đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xem xét lại hai bản án giải quyết tranh chấp đất vốn có nguồn gốc là cái áo chung theo thủ tục tái thẩm.
Chứng cứ mới mà ông cung cấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1994 mang tên cha ông và hồ sơ cấp giấy này.
Tranh chấp đất có nguồn gốc là cái ao chung
Ông Bạch, ông Trương Ngọc Tuyên và bà Trương Kim Phước là bà con với nhau. Họ cùng được ông bà cho tặng đất và ở cặp ranh từ mấy chục năm qua tại ấp Láng Giài A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Đất của ông Bạch ở giữa đất của ông Tuyên và bà Phước.
Vợ chồng ông Bạch. Ảnh: TRẦN VŨ |
Theo ông Bạch, phần đất tranh chấp vốn là cái ao chung với bà Phước, trước dùng để chứa nước sinh hoạt chung. Năm 2000, ông khoan được giếng nước ngầm nên không sử dụng nước ao này nữa. Ông Tuyên đã sử dụng để nuôi cá, vịt.
Bà Phước là cô ruột ông Tuyên, không chồng con. Sau khi bà mất, đất của bà do ông Tuyên quản lý, sử dụng. Từ đó, ông Tuyên đi nhờ trên bờ ao của ông Bạch, qua lại đất bà Phước để quản lý, sử dụng.
Ông Bạch cho rằng bản thân và gia đình biết ông Tuyên dựng hàng rào bằng cây lục bình nhưng nghĩ ông này dựng để giữ gà vịt và do mình đã được cấp GCNQSDĐ, không sợ bị chiếm nên không ngăn cản. Năm 2015, khi phát hiện ông Tuyên lấp ao nên ông đi kiện.
Ông Tuyên cho rằng đất tranh chấp là của bà Phước để lại cho ông, trước dùng làm ao nước xài chung. Khi xóm có nước sạch, không ai xài nước nữa nên ông đã nuôi cá, vịt, trồng cây, quản lý sử dụng đến nay.
Hiện trạng sử dụng đất là căn cứ để tòa đưa ra phán quyết
Trước tòa, ông Bạch trình bày đất đã được cấp GCNQSDĐ mang tên cha ông từ năm 1994. Năm 2004, Nhà nước đã cấp đổi sổ cho cha ông, vẫn đúng diện tích đã cấp trước đó là 676,9 m2, bao gồm phần đất tranh chấp 157 m2.
Tuy nhiên, phía UBND huyện Hòa Bình có văn bản khẳng định GCNQSDĐ của cha ông Bạch là được cấp mới vào năm 2004, chứ không phải cấp đổi như ông Bạch trình bày. Quy trình cấp đất đã được UBND huyện kiểm tra, xác nhận là chưa đúng quy định pháp luật lúc bấy giờ.
Từ đó, dẫn đến việc hai bên không ai có giấy tờ hợp pháp về QSDĐ nên hai cấp tòa đều căn cứ thực trạng sử dụng đất và lời khai của các nhân chứng về quá trình sử dụng đất để đưa ra phán quyết.
Kết quả, tòa án hai cấp đồng nhận định ông Tuyên là người quản lý sử dụng đất ổn định, liên tục; ông Bạch biết mà không ngăn cản. Cụ thể: Tháng 9-2017, TAND huyện Hòa Bình xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu của ông Bạch, chấp nhận phản tố của ông Tuyên, hủy GCNQSDĐ năm 2004 của cha ông Bạch. Tháng 1-2018, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm, tuyên bác kháng cáo của ông Bạch, đất thuộc về ông Tuyên.
Tìm được GCNQSDĐ và chờ đợi được kháng nghị tái thẩm
Ngày 3-5-2018, ông Bạch tìm được GCNQSDĐ năm 1994 và hồ sơ cấp giấy này. Cuốn sổ đỏ đã bị mối ăn nham nhở. Ông còn thu thập được hồ sơ cấp GCNQSDĐ năm 1994 của cả hai hộ liền kề là ông Tuyên, bà Phước. Các hồ sơ, GCN này được cung cấp chính thức từ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Bình và Trung tâm Công nghệ thông tin của Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu.
Các hồ sơ mới tìm được thể hiện ông Bạch, ông Tuyên và bà Phước cùng được cấp GCNQSDĐ lần đầu vào năm 1994. Hồ sơ này cho thấy việc khẳng định “cha ông Bạch chỉ được cấp giấy lần đầu vào năm 2004, cấp trùm lên phần đất tranh chấp 157 m2 mà ông Tuyên đã quản lý, sử dụng từ năm 2000” là không đúng.
Tuy nhiên, các đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm của ông Bạch đều bị từ chối vì “không có chứng cứ mới”. Các thông báo từ chối thực hiện thủ tục tái thẩm được TAND Cấp cao tại TP.HCM gửi cho ông Bạch vào tháng 5-2022, VKSND Cấp cao tại TP.HCM gửi cho ông Bạch vào tháng 11-2022 đều thể hiện chưa xem xét đến chứng cứ mới của ông Bạch cung cấp.
Ông Bạch đã khiếu nại các thông báo từ chối kháng nghị theo thủ tục tái thẩm này. Ngày 14-12-2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có phiếu chuyển đơn khiếu nại của ông đến TAND Tối cao để xem xét giải quyết. Đến nay ông Bạch chưa nhận được kết quả giải quyết đơn khiếu nại này.
Vẫn có thể tiếp tục đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Trong vụ án này, GCNQSDĐ năm 1994 và hồ sơ cấp giấy khi ông Bạch làm đơn yêu cầu tái thẩm được xem là chứng cứ mới. Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại TP.HCM sau khi nghiên cứu các chứng cứ có trong hai bản án và chứng cứ mới mà ông Bạch cung cấp, tòa cho rằng không có đủ căn cứ để làm thay đổi nội dung của bản án nên không có căn cứ đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Tuy bị từ chối, ông Bạch vẫn có thể tiếp tục đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Trường hợp GCN đã bị cũ, rách, ông Bạch có thể đến cơ quan có thẩm quyền cấp lại hoặc xin xác nhận khi cấp giấy đó là đúng quy trình, hợp pháp trên cơ sở giấy cũ. Và giấy trả lời của cơ quan có thẩm quyền là chứng cứ mới để yêu cầu tái thẩm.
Luật sư PHẠM HOÀNG LÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM