Họp báo giới thiệu các sự kiện của Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023 ngày 17-4 - Video: TRƯƠNG KIÊN - HẢI TRIỀU - ANH THƯ - TÔN VŨ
Những ứng viên cho giải đặc biệt (trị giá 100 triệu đồng do Công ty GIBC hỗ trợ) là HỒ MINH ĐỨC - CEO start-up Vbee; BÙI TÚ UYÊN - đồng sáng lập start-up Adorbsy, sinh viên ĐH Columbia (Hoa Kỳ); BÙI MẠNH HÙNG - sáng lập viên ứng dụng Persona.AI, đang học và nghiên cứu tại ĐH Stanford (Hoa Kỳ), cùng chia sẻ khát vọng quanh câu chuyện khởi nghiệp.
Kết nối cùng mục tiêu chung
* Chọn hành trình đầy chông gai, thử thách đáng kể nhất mà start-up của bạn từng đối mặt là gì? Và đã vượt qua thế nào?
- Hồ Minh Đức: Khi khởi nghiệp, điểm chung duy nhất của đội ngũ thường chỉ là cùng ý tưởng. Vấn đề làm sao kết hợp ăn ý, hiệu quả giữa các sáng lập viên, bởi mỗi người một thế mạnh nhưng ai cũng có cá tính riêng. Để cân bằng điều này không hề đơn giản, nhất là khi tìm cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Tôi từng trải qua sự tan rã của start-up đầu tiên sau hơn 10 năm triển khai nên hiểu sự đoàn kết cùng một mục tiêu là thách thức lớn nhất.
Thời gian đầu, vấn đề lớn nhất là chúng tôi rất ít giao tiếp dẫn đến hiểu nhầm, mâu thuẫn khi "ráp nối" các phần lại với nhau. Tuy nhiên, khi cùng nhìn vào mục tiêu chung, xác định rõ mục tiêu dài hạn, mỗi người tự buộc mình phải thay đổi. Vì thế tôi thấy sự gắn kết, thông suốt giữa các sáng lập viên sẽ giúp kết quả tăng lên gấp chục, thậm chí trăm lần.
* Các bạn đều chọn khởi nghiệp vì cộng đồng, thân thiện môi trường. Các bạn có thể chia sẻ thêm về dự án của mình?
- Bùi Tú Uyên: Là một người trẻ, tôi thấy việc start-up hướng về môi trường, phát triển bền vững là điều rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đối mặt các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho hay mỗi năm có gần 60.000 người Việt qua đời vì những nguyên do liên quan đến ô nhiễm.
Sắp tới sang Mỹ du học nhưng tôi vẫn hết mình với "đứa con tinh thần" Adorbsy. Công nghệ của chúng tôi hướng tới sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ thân thiện môi trường, chất liệu làm hoàn toàn từ vỏ thanh long và bông gòn tự nhiên.
- Hồ Minh Đức: Khởi nguồn công nghệ lõi chuyển văn bản thành giọng nói (Text-To-Speech) của Vbee được nghiên cứu và hướng tới ứng dụng cho người khiếm thị, từ một dự án website "biết nói" của nhóm giảng viên và sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2009, chúng tôi đã tiếp tục phát triển để ứng dụng cho nhiều lĩnh vực và nhu cầu thực tiễn khác của đông đảo người dùng và doanh nghiệp.
Với công nghệ Text-To-Speech, người khiếm thị được tiếp cận nguồn thông tin, tri thức khổng lồ trên Internet như bao người khác mà trước đây họ chỉ có thể tiếp cận qua sách chữ nổi hoặc sự thu âm rất hạn chế. "Khi nào Vbee còn tồn tại, khi đó chúng tôi sẽ nỗ lực tận cùng để hỗ trợ miễn phí người khuyết tật" là phương châm của chúng tôi.
Tạo thêm giá trị mới
* Chắc chắn các bạn sẽ tiếp tục con đường đã chọn, vì thế các bạn có thể phác thảo hướng đi trong tương lai gần?
- Hồ Minh Đức: Khi Vbee phát triển lớn mạnh, chúng tôi vẫn không bao giờ quên mục đích ban đầu khi hình thành sản phẩm này. Người khiếm thị có thể lên website https://vbee.vn hoặc qua ứng dụng Vbee để chuyển văn bản thành tiếng nói miễn phí thông qua Hội Người mù Việt Nam hoặc các hội ở cơ sở. Website và ứng dụng của chúng tôi được thiết kế thuận tiện cho người khiếm thị sử dụng nhờ trình đọc màn hình chuẩn.
- Bùi Tú Uyên: Như đã nói, tôi sẽ du học Mỹ nên mọi hoạt động của start-up đều được cập nhật và quản lý từ xa. Ở Việt Nam, chúng tôi có đội ngũ lập trình viên để có thể đảm bảo sản phẩm sẽ luôn hoạt động, phục vụ người dùng. Nhìn một cách tích cực, việc ở Mỹ giúp tôi tiếp cận với công nghệ mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, qua đó giúp tôi có thể cải thiện sản phẩm và phục vụ người dùng Việt tốt hơn.
- Bùi Mạnh Hùng: Đại dịch COVID-19 giúp người dùng quen với những công cụ tự động hóa, quen với việc nói chuyện, giao tiếp online nhưng cũng phần nào khiến người dùng trở nên cô đơn hơn.
Với nền tảng chatbot của mình, Persona.AI mong muốn cung cấp những chatbot có thể hướng dẫn, trợ giúp cũng như tâm sự với người dùng. Cạnh đó, Persona.AI cũng đang phát triển những giải pháp AI hỗ trợ trẻ tự kỷ với mong muốn đóng góp cho cộng đồng.
* Đến với Tuổi Trẻ Start-up Award, bạn đặt cho mình mục tiêu gì không?
- Bùi Mạnh Hùng: Tôi rất ấn tượng và thích thú với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" của giải thưởng năm nay.
Tôi tìm hiểu và biết giải thưởng tôn vinh những start-up vì cộng đồng, năm nay có thêm tiêu chí start-up vượt qua những khó khăn, sóng gió xảy ra trong và sau đại dịch COVID-19. Như thế, càng có nhiều vấn đề, các start-up non trẻ càng có cơ hội thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo và linh hoạt để "bước chân" vào, tạo được vị trí của mình.
Tuổi Trẻ Start-up Award cũng tôn vinh các dự án truyền cảm hứng cho cộng đồng. Mà đây là những giá trị Persona.AI hướng đến. Chính những giá trị tương đồng trong triết lý và lý tưởng của mình, Persona.AI mong muốn tham gia, đồng hành cùng giải thưởng với kỳ vọng sẽ đóng góp, truyền cảm hứng cho cộng đồng và tìm ra những cơ hội để phát triển trong thời kỳ đất nước phát triển hậu đại dịch COVID-19.
- Hồ Minh Đức: Chúng tôi biết tới giải thưởng qua Tuổi Trẻ Online và quyết định tham gia vì muốn khẳng định thương hiệu doanh nghiệp của mình qua từng giải thưởng, nhất là những giải thưởng uy tín như Tuổi Trẻ Start-up Award.
Bên cạnh đó, tạo cơ hội hoàn thiện sản phẩm của mình hơn vì với quy mô và đội ngũ chuyên gia uy tín của giải, chắc chắn sẽ giúp chúng tôi có cơ hội nhìn lại, hoàn thiện doanh nghiệp qua những phản biện, tư vấn của đội ngũ chuyên gia, các quỹ đầu tư.
Cuối cùng, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp khởi nghiệp của Vbee: "Đưa những đề tài nghiên cứu khoa học ra thực tiễn, thương mại hóa kết quả nghiên cứu để trở thành công nghệ lõi "Make in Vietnam" thành công trên chính quê hương mình!". Chúng tôi muốn góp phần truyền cảm hứng đến các bạn trẻ Việt, với công cuộc chuyển đổi số chúng ta đang thực hiện.
* PGS.TS VŨ HẢI QUÂN (giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tôi mong doanh nghiệp và các trường tham gia sâu hơn
Tôi đánh giá rất cao giải thưởng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do báo Tuổi Trẻ tổ chức khi đã tạo sân chơi cho các bạn trẻ. Giải thưởng đã góp phần truyền cảm ứng cho cộng đồng, không chỉ với các bạn tham gia mà với những ai tham dự talk show về đổi mới sáng tạo với các diễn giả trong khuôn khổ chương trình. Các bạn trẻ đã có cơ hội lắng nghe, được truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp.
Tôi mong sẽ có sự tham gia nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn. Đồng hành với chương trình, các doanh nghiệp lớn không chỉ hỗ trợ tài chính mà cả chia sẻ kinh nghiệm, kết nối nguồn lực trong khởi nghiệp. Chính việc tham gia của các doanh nhân giúp những bạn trẻ khởi nghiệp có thêm kênh tham khảo, lắng nghe góp ý để hoàn thiện ý tưởng của mình.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong chương trình có sự tham gia tích cực và sâu hơn của các trường đại học. Nếu được, chương trình có thể tổ chức các buổi đối thoại với những người làm chính sách như Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM... để có chính sách tốt đồng hành cùng người khởi nghiệp.
TRẦN HUỲNH ghi
Chuyên gia kinh tế Philipp Rösler trò chuyện cùng các bạn trẻ
Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ - cùng chia sẻ với các bạn trẻ tại talk show "Cảm hứng khởi nghiệp" từ 8h30 sáng nay 26-4. Sự kiện có chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?" thuộc chuỗi hoạt động của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023 tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (59C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM).
Là người gốc Việt, quê Sóc Trăng, ông từng trở thành chính trị gia trẻ nhất đảm nhận vị trí lãnh đạo quan trọng tại Đức. Khi là giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, ông đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số sáng kiến liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0 và Hội nghị WEF Đông Á.
Chương trình còn có các diễn giả: ông Phạm Phú Ngọc Trai - nhà sáng lập và chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và Hội nhập toàn cầu (GIBC); ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital; bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC); ông Lê Yên Thanh - sáng lập và CEO Phenikaa MaaS, Forbes Under 30; bà Phạm Khánh Linh - sáng lập và CEO Logivan, Forbes Under 30.
Tại sự kiện này, báo Tuổi Trẻ sẽ vinh danh 20 start-up tiêu biểu cùng giải start-up truyền cảm hứng và giải start-up xanh của giải thưởng năm nay. Các dự án nhận khoản hỗ trợ kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức... Trong đó, dự án giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trước cho chuyên gia kinh tế Philipp Rösler tại ô đặt câu hỏi cuối bài để nhận được lời khuyên, chia sẻ của ông.
Q.NGUYÊN
Xem thêm: mth.68340012252403202-gnod-gnoc-iv-neik-gnas-cul-nat-ueib-ueit-pu-trats-cac-hnad-hniv/nv.ertiout