Đây không phải là lần đầu tiên HDBank nói về ý định này. Cuối năm ngoái, HDBank đã từng đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỉ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Số tiền này sẽ góp vào thời điểm chuyển giao bắt buộc. Sau đó ngân hàng này sẽ tiếp tục góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. HDBank được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất.
Về chủ trương mua lại công ty chứng khoán, HDBank cho biết nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đây là tiền đề rất tốt cho thị trường chứng khoán phát triển.
Bên cạnh đó số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam mới đạt tỉ lệ hơn 6% dân số, còn rất thấp so với mức 10%-15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.
Do vậy việc mua lại công ty chứng khoán, theo HDBank, sẽ giúp ngân hàng mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ, thông qua nhiều hoạt động mới như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản và các dịch vụ khác.
Tiêu chí mà ngân hàng này đưa ra để lựa chọn công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần bao gồm: được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra phải có vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoạt động kinh doanh có lợi nhuận liên tiếp trong ba năm gần nhất, đồng thời đảm bảo đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của HDBank.
Hiện nay HDBank chưa tiết lộ tên ngân hàng cũng như công ty chứng khoán mà ngân hàng này sẽ tham gia tái cơ cấu, mua lại. Trước đây HDBank đã thành công trong thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á.
Sau đó HDBank đã từng định nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị.
HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên vì nhiều lý do, việc sáp nhập này không thành.
Một cái tên được đồn đoán khác là Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8-2015.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức hôm nay, HDBank cũng trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tỉ lệ 25% (10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu). Ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tăng vốn thêm 200 tỉ đồng.
Năm 2022 HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 10.268 tỉ đồng, bằng 105% kế hoạch. Năm 2023, ngân hàng này đặt chỉ tiêu lợi nhuận 13.197 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tổng tài sản đạt 520.024 tỉ đồng, tăng 25% năm 2022.
Trong đó tổng dư nợ tín dụng kỳ vọng đạt 333,4 nghìn tỉ, tăng 25% (tùy tình hình phân bổ của Ngân hàng Nhà nước), đồng thời khống chế nợ xấu dưới 2%.
TTO - Tối nay 6-10, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp thêm hạn mức tín dụng (room) cho bốn ngân hàng đã tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là VPB, HDB, MBB và VCB.
Xem thêm: mth.10451221162403202-knabdh-iov-ahn-gnuhc-ev-es-oan-naohk-gnuhc-yt-gnoc-av-gnah-nagn/nv.ertiout