Công ty mẹ Facebook là Meta Platforms vào ngày hôm qua đã báo cáo doanh số lần đầu tiên tăng trong vòng 1 năm vì những cải tiến không ngừng trong lĩnh vực quảng cáo, cắt giảm chi tiêu thành công theo kế hoạch mà CEO Mark Zuckerberg gọi là để tạo ra “năm hiệu quả”.
Zuckerberg đã đặc biệt nhắc tới Reels như là động lực chính tạo ra những kết quả tích cực kể trên. Anh nói rằng Reels đang giúp gia tăng sự gắn kết trên tổng thể ứng dụng và rằng công ty tin rằng họ đang dần chiếm được thị phần trong mảng video ngắn.
“Khi bắt đầu ra mắt Reels vào năm ngoái, hoạt động kinh doanh của công ty đang diễn biến không tốt như tôi muốn. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang tăng cường hoạt động của Reels từ một vị thế mạnh mẽ”.
Cũng trong buổi báo cáo, công ty này cho biết đạt doanh thu 28,6 tỷ USD, tăng 3% so với 1 năm trước và vượt dự báo trước đó chỉ là 27,7 tỷ USD. Cổ phiếu công ty ngay sau đó cũng tăng hơn 12% khi họ dự báo doanh thu quý 2 có thể đạt mức cao 32 tỷ USD.
Môi trường kinh tế khó khăn và những thay đổi của Apple vào năm 2021 đã gây tổn thương nặng tới thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Meta cũng phải đối mặt với sự gia tăng cạnh tranh từ TikTok – hiện đạt 150 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ.
Mức tăng 3% là mức cải thiện so với mức giảm 4,5% doanh thu mà công ty chứng kiến vào quý cuối cùng của năm 2022. Điều này cho thấy rằng những khoản đầu tư mạnh tay của Meta vào trí thông minh nhân tạo (AI) đang cải thiện hệ thống quảng cáo mục tiêu và đang cho thấy hiệu quả.
Những nỗ lực với AI cùng với dịch chuyển hình thức quảng cáo ít phụ thuộc vào việc khai thác dữ liệu người dùng từ những nền tảng của công ty là cần thiết cho kế hoạch để phục hồi. Meta đã đạt được những tiến bộ trong việc vượt qua thay đổi quyền riêng tư của Apple vốn giới hạn khả năng của công ty để thu thập thông tin về cách người dùng chi tiêu, sở thích...
Zuckerberg nói rằng anh dự đoán AI sẽ có tác động tới mọi ứng dụng và dịch vụ của Meta. Anh lý luận rằng công ty có thể giúp những khách hàng dễ dàng tạo ra quảng cáo cho các dịch vụ của Meta, công cụ chatbot cho doanh nghiệp trên Messenger và WhatsApp và cũng giúp người dùng vũ trụ ảo dễ dàng hơn trong việc tạo ảnh đại diện và thế giới ảo.
Zuckerberg cũng nói rằng anh dự kiến Meta sẽ có cách tiếp cận nguồn mở hơn so với AI so với các công ty như Alphabet, Microsoft và Amazon do mô hình kinh doanh khác biệt của họ.
Công ty nói rằng biên lợi nhuận hoạt động của họ sẽ cao hơn 4% nếu không phải chịu những chi phí tái cấu trúc cho những đợt sa thải mà họ tuyên bố trước đây.
Nhóm ứng dụng của Meta gồm Facebook, Instagram và WhatApp hiện phát sinh chi phí tái cấu trúc là 934 triệu USD trong quý đầu tiên. Mảng Reality Labs – chi nhánh ôm tham vọng xây dựng vũ trụ ảo phát sinh chi phí 210 triệu USD.
Hồi năm 2021, Zuckerberg đã đổi tên công ty từ Facebook thành Meta để phản ánh sự tập trung mới vào vũ trụ ảo.
Tuy nhiên, Reality Labs báo cáo doanh thu 339 triệu USD trong 1 quý, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi nhánh này cũng phụ trách tạo ra thiết bị thực tế ảo Quest và đã ghi nhận mức thua lỗ 4 tỷ USD.
“Xây dựng vũ trụ ảo là dự án lâu dài và chúng tôi vẫn cam kết với tầm nhìn này”, Zuckerberg nói.
Công ty nói rằng họ dự đoán chi phí năm 2023 ở mức 86 tỷ USD – 90 tỷ USD, thấp hơn so với dự đoán trước đó là từ 89 tỷ USD – 95 tỷ USD.
Meta nói rằng giá quảng cáo trung bình của họ đã giảm 17% trong năm qua. Trong cùng quý vào năm ngoái, giá trung bình mỗi quảng cáo giảm 8%.
Cổ phiếu Meta giảm 2/3 giá trị trong năm 2022, thổi bay 600 tỷ USD vốn hoá thị trường. Năm ngoái, công ty này cảnh báo rằng những thay đổi của Apple đã khiến họ mất 10 tỷ USD doanh thu. Sau khi những động thái thúc đẩy “hiệu quả” được Zuckebrerg đưa ra, cổ phiếu công ty đã hồi phục, tăng 70% cho tới phiên đóng cửa ngày thứ 3 tuần này.
Công ty cũng báo cáo lợi nhuận đạt 5,7 tỷ USD trong quý đầu tiên. Con số này giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại tăng 4.7 tỷ USD so với quý cuối cùng của năm 2022.
Meta nói rằng lượng người dùng hàng ngày của Facebook hiện tiếp tục tăng và đạt 2,04 tỷ người dùng, tăng từ mức 2 tỷ người dùng vào quý 4/2022.
Nguồn: WSJ