Ngày 26-4, tại Nhà Trắng (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc (HQ) Yoon Suk-yeol đã công bố một thỏa thuận mới quan trọng nhằm đối phó sự “hung hăng” của Triều Tiên, đồng thời ca ngợi mối quan hệ “kiềng sắt” giữa hai đồng minh Mỹ-Hàn, theo đài CNN.
Theo đó, thỏa thuận mới mang tên “Tuyên bố Washington” bao gồm huấn luyện quân sự, tăng cường đào tạo, diễn tập và các hoạt động mô phỏng để cải thiện cách tiếp cận của liên minh Mỹ-Hàn trong việc ngăn chặn và phòng thủ.
Đồng thời, thỏa thuận cũng ghi nhận cam kết mới của Mỹ về việc triển khai tàu ngầm vũ trang hạt nhân ở HQ. Đây là thỏa thuận về tàu ngầm đầu tiên giữa Mỹ-Hàn kể từ sau chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1980.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN |
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Liên minh Mỹ-Hàn được hình thành trong chiến tranh và phát triển trong hòa bình. Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta là sắt thép, có thể được thể hiện qua cam kết mở rộng đe dọa hạt nhân. Điều này còn đặc biệt quan trọng hơn khi mối đe doạ từ Triều Tiên ngày càng gia tăng và nước này cũng liên tục vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ”.
“Điểm mấu chốt ở đây là mặc dù chúng tôi không bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ HQ nhưng chúng tôi có sự hợp tác và tham vấn chặt chẽ hơn. Đồng thời, chúng tôi sẽ có các chuyến thăm cảng và tàu ngầm hạt nhân. Đây là bước đi thận trọng để củng cố khả năng răn đe mở rộng ở khu vực này” - ông Biden nói.
Quyết định này là một chính sách của Mỹ, sử dụng toàn bộ khả năng quân sự của mình để bảo vệ đồng minh để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đáp lại” nỗ lực ngoại giao của Washington bằng các vụ thử tên lửa hạt nhân diễn ra thường xuyên nhằm vào khu vực bờ biển Nhật và HQ.
Đồng thời, trong cuộc họp báo, ông Biden cũng cảnh báo ông Kim: “Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hay các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng không thể chấp nhận được. Hành động của Triều Tiên có nguy cơ dẫn đến sự kết thúc của chính chế độ”.
Lãnh đao hai nước đang tổ chức một cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng (Mỹ) vào ngày 26-4. Ảnh: REUTERS |
Bên cạnh đó, Tổng thống HQ cũng khẳng định: “Hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên không tự nhiên mà xảy ra được. Chúng tôi sẽ đạt được hoà bình nhờ ưu thế từ việc áp đảo lực lượng chứ không phải là một nền hoà bình giả tạo dựa trên thiện chí của phía bên kia.”
Thoả thuận còn đề ra một “Nhóm tư vấn hạt nhân Mỹ-Hàn” nhằm tham vấn xung quanh vấn đề kế hoạch chiến lược và hạt nhân. Theo đó, nhóm này mô phỏng theo sự can dự của Mỹ với các đồng minh châu Âu trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Cũng trong chương trình nghị sự, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề hỗ trợ chấm dứt xung đột ở Ukraine, hợp tác trong việc chống biến đổi khí hậu và giải quyết hậu quả của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, ông Biden còn ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ trong chính sách ngoại giao giữa liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, giúp “củng cố mối quan hệ ba bên”. Ông nhấn mạnh sự quan trọng mang tầm chiến lược của liên minh này trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Chuyến công du không chính thức của ông Yoon đến Mỹ báo hiệu tầm quan trọng mà Mỹ nhìn nhận trong mối quan hệ của mình với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn từ TQ và Triều Tiên.
Tiếp nối chuyến thăm này, ông Biden sẽ tiếp tục tiếp đón Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào tuần sau, và dự kiến sẽ thăm Philippines trong vài tuần tới.