Đầu tháng 4-2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM thay hình thức phạt học sinh từ dọn dẹp vệ sinh, chép phạt sang… đọc sách, viết bài văn cảm nhận.
Những tưởng đây là những bài viết khô khan hoặc "viết cho có", nhưng nhiều học sinh đã viết nên những bài viết đáng đọc, một số còn dịch những câu chuyện ý nghĩa.
Trong bài văn cảm nhận sau khi đọc Ba cô mèo cài hoa phượng, em Phương Anh viết: "Tôi cảm thấy rất xúc động, đồng cảm với những trăn trở của Nhi, một cô gái trẻ 15 tuổi. Sống trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nhi luôn có dáng vẻ hiểu chuyện và có trách nhiệm hơn so với lứa tuổi của Nhi. Cô luôn có những câu hỏi ý nghĩa của cuộc đời này là gì…?".
Với bài viết gần ba trang giấy ô li, Phương Anh nói rằng qua việc đọc câu chuyện, em thấy bản thân cần thay đổi cách sống. "Sống phải có những đặc điểm riêng biệt, dám nghĩ, dám làm… Bản thân phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt", Phương Anh rút ra bài học.
Còn đối với em Thanh Trúc, sau khi đọc câu chuyện về nhân vật Lý Tiểu Long, Thanh Trúc đúc kết: "Em phải luôn cố gắng để phát triển bản thân. Cố gắng học giỏi, chơi nhiều môn thể thao. Luôn không ngừng tìm kiếm và học hỏi mọi thứ xung quanh, thử sức nhiều thứ mới mẻ và không ngừng vượt qua giới hạn của mình".
Đặc biệt, trong bài dịch "Mẹ biết cái gì là tốt nhất", thông qua việc kể câu chuyện xúc động, ý nghĩa về tình yêu thương của mẹ; Trúc viết rằng câu chuyện "cho ta thấy mẹ là người hiểu ta nhất, yêu thương ta nhất… Vì thế, hãy luôn làm cho mẹ thật tự hào và hạnh phúc, luôn quan tâm, yêu thương mẹ và đừng làm mẹ buồn lòng. Đối với em, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên đời"…
Một học sinh khác sau khi dịch bài "Cơn gió và cái trống" kể về việc con chó tìm thấy một cái trống và tưởng rằng cái trống giống như một chiếc cũi nhốt các con thú ở trong. Con chó tìm đến con báo nói về suy nghĩ đó để con báo có thể "xé toạc" cái trống ra và kết cục là con báo đã xé xác con chó.
Liên hệ với bản thân, học sinh này viết: "Ta phải chắc chắn một điều gì đó trước khi quyết định và hành động. Nếu không sẽ để lại hậu quả cho hành động và quyết định sai của mình".
Em Tấn Trường, một học sinh thực hiện hình thức phạt này, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "những câu chuyện trường cho đọc là những bài đạo đức, những bài học về cuộc sống mà em thấy rất gần gũi, dễ hiểu nên em có thể dễ dàng viết bài cảm nhận".
Nói về hình phạt này, cô Trương Thị Trị, tổ trưởng tổ giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết, cô rất tâm đắc với cách giáo dục học sinh có tính nhân văn này.
"Đọc sách là hình thức rất hay, rất hiệu quả. Mỗi học sinh vi phạm sau khi đọc các truyện, các em có cảm xúc, rút ra bài học cho bản thân để hoàn thiện nhân cách của các em", cô Trị nói.
Thay vì viết tường trình, quét rác... học trò Trường THPT Bùi Thị Xuân 'bị phạt' đọc sách nếu vi phạm nội quy.
Xem thêm: mth.94155220172403202-nahn-mac-teiv-hcas-cod-tahp-ib-hnis-coh-auc-gnod-cux-nav-iab-gnuhn/nv.ertiout