Theo Bnews, trong 6 tháng đầu năm 2022, trước khi tỷ phú Mỹ Elon Musk tiếp quản Twitter, mạng xã hội này đã yêu cầu người dùng gỡ xuống hơn 6,5 triệu bài đăng, tăng 29% so với giai đoạn 6 tháng trước đó.
Thông tin trên được Twitter công bố ngày 25/4, cùng ngày Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ siết chặt quy định đối với 19 công ty công nghệ - trong đó có công ty chủ quản Twitter, theo đó yêu cầu các công ty phải chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý, ngăn chặn thông tin sai lệch, thực hiện kiểm toán độc lập.
Theo Ủy ban châu Âu, các công ty vi phạm quy định mới của EU có thể phải nộp mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hoặc bị cấm hoạt động tại EU.
Trước khi tỷ phú Elon Musk mua Twitter vào tháng 10/2022 và cắt giảm 80% số nhân viên, mỗi 6 tháng/lần, Twitter công bố trên trang Trung tâm Minh bạch của công ty các thông tin như số tài khoản bị khóa hay số kiến nghị yêu cầu dỡ bỏ nội dung từ các chính phủ.
Trong báo cáo mới nhất, Twitter cho biết công ty đã nhận được 53.000 kiến nghị pháp lý từ các chính phủ trong nửa đầu năm 2022, yêu cầu dỡ bỏ một số nội dung đăng trên nền tảng này. Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là những quốc gia đệ trình nhiều kiến nghị nhất.
Công bố báo cáo minh bạch là một trong những yêu cầu theo quy tắc mới của EU về Internet.
Theo Vietnamplus, từ ngày 20/4, mạng xã hội Twitter đã bắt đầu gỡ bỏ hàng loạt "tích xanh" vốn được dùng như "bảo chứng tín nhiệm" cho các tài khoản trên nền tảng này.
Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu của Twitter, trước đây đã cam kết xóa bỏ cách vận hành cũ và sẽ bắt đầu thu phí 8 USD/tháng đối với những tài khoản được gắn "tích xanh," chủ yếu là tài khoản của những người nổi tiếng, nhà báo và chính trị gia. Sau đó, Twitter nhiều lần dự định gỡ bỏ "tích xanh" nhưng liên tục trì hoãn.
Đến ngày 20/4, tài khoản Twitter của nhiều người có ảnh hưởng, các chính trị gia và một số cơ quan chính phủ đã không còn "tích xanh." Dù vậy, tài khoản của một số người nổi tiếng vẫn còn "tích xanh" dù họ được cho là không đăng ký gắn dấu tích này.
Bên cạnh đó, Twitter cũng đã gỡ mác "Government-funded Media" (kênh truyền thông được chính phủ tài trợ) đối với tài khoản của một số đơn vị thông tin như National Public Radio (NPR) của Mỹ, Canadian Broadcasting Corporation (CBC) của Canada và British Broadcasting Corp's (BBC) của Anh.
Động thái trên được đưa ra sau khi NPR và CBC hồi đầu tháng này đã dừng các hoạt động trên Twitter, cho rằng việc mạng xã hội này gắn mác "được chính phủ tài trợ" với các tài khoản của các hãng này không phản ánh chính xác cấu trúc quản trị của họ.
Đào Vũ (T/h)