Giá bất động sản cao do mua đi bán lại?
Tại hội thảo "Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 27-4, ông Trần Quốc Dũng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - phân trần lâu nay nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với ngành bất động sản, cho rằng doanh nghiệp siêu lợi nhuận, mua rẻ bán đắt.
Tuy nhiên, ông Dũng nói việc hạch toán rất minh bạch, doanh nghiệp phải quản lý, kiểm soát đầu tư, kinh doanh giỏi mới đảm bảo lợi nhuận 5-7%.
"Có chăng lợi nhuận lớn nằm ở những thành phần khác tham gia thị trường bất động sản, các nhà đầu tư thứ cấp mua từ nhà đầu tư sơ cấp như chúng tôi, giao dịch đẩy giá, có lợi nhuận từ giao dịch thứ cấp, đây không phải lợi nhuận của chủ đầu tư. Có những trường hợp gom đất nông nghiệp để chờ thời cơ để bán, sang tay, giá trị lớn nhưng ở một thành phần tham gia lĩnh vực bất động sản, không phải doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chính nghĩa", ông Dũng nói.
Ông Dũng nói doanh nghiệp này sẵn sàng bán không lợi nhuận, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn khách hàng đồng ý xuống tiền, có dòng tiền về, duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó bán rẻ
Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hà - tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Thăng Long - lại có một góc nhìn khác, khi cho rằng từ thực tế của doanh nghiệp, khung pháp lý hiện không vướng đến mức các doanh nghiệp không thể hoàn thiện để kinh doanh. Ngược lại, bà Hà cho rằng cái khó hiện nay là ở tâm lý của những người thực thi pháp luật.
Lấy dẫn chứng từ một dự án của doanh nghiệp, bà Hà cho biết có dự án đã hoàn thiện về thủ tục đất đai, đã đóng thuế, giấy phép xây dựng đã có, doanh nghiệp triển khai đến khâu cất nóc. Tuy nhiên, do dự án hết hạn chấp thuận chủ trương đầu tư, buộc doanh nghiệp phải đi làm thủ tục gia hạn.
"Hiện doanh nghiệp không vi phạm nghĩa vụ gì cả nhưng 3 năm nay gia hạn dự án không được, hồ sơ trình lên thì đẩy đi khắp nơi, trình hết cơ quan này đến cơ quan khác chỉ mỗi vấn đề gia hạn dự án thôi", bà Hà nói.
Nói về vấn đề mấu chốt khiến dự án không thể giảm giá, bà Hà cho rằng trong thời gian dự án "đứng bánh", doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng 14-15%, thậm chí 16%, buộc khi bán ra cũng phải tính vào giá vốn.
Theo bà Hà, doanh nghiệp phải gánh đủ chi phí nên không bán giá thấp, trong khi người mua chỉ tìm sản phẩm giá rẻ, không xuống tiền cho những sản phẩm giá cao.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trước đây thực hiện các thủ tục cấp chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở, nhưng hiện nay đã có Luật Đầu tư, do đó các dự án phải điều chỉnh để thực hiện theo luật mới, dẫn đến kéo dài các thủ tục như dự án của Công ty Thăng Long.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết không phải dự án nào cũng vướng pháp lý, mà pháp lý rất rõ nhưng các địa phương e ngại, sợ sai chưa triển khai.
"Các sở ngành cứ ngồi với nhau rồi lại lấy ý kiến lên, ý kiến xuống. Ngay TP.HCM, tháng 2 năm ngoái chính tôi vào họp, đến hôm qua tôi cũng vào họp mà có những dự án từ năm ngoái đến nay vẫn đứng yên", ông Khởi nói.
Những "căn bệnh" của thị trường bất động sản
TS Trần Du Lịch cho biết thị trường bất động sản hiện đang có những "bệnh" cần nhận diện. Đó là thị trường rất méo mó, kích thích đầu tư, hướng đến tiền tệ chứ chưa hẳn hướng đến giá trị ở thực.
Theo ông Lịch, hiện thị trường bất động sản đóng băng phân khúc đầu tư, dang dở pháp lý, còn những phân khúc phù hợp nhu cầu người ở thì không đóng băng mà không có hàng để bán. Bên cạnh đó, ông Lịch cho rằng người kinh doanh bất động sản sử dụng công cụ tài chính thái quá, đi vay quá lớn.
Đặc biệt, doanh nghiệp tạo ra quá nhiều sản phẩm phục vụ đầu cơ, làm quá nhiều sản phẩm mà yếu tố pháp lý không ổn định.
Khảo sát trên 1.000 người của Batdongsan (thành viên Tập đoàn PropertyGuru) cho thấy người có nhiều nhà đất đang có nhu cầu mua tiếp nhà đất cao hơn hẳn người chưa có nhà đất.