Đó là một trong những lời khuyên của trung tá Hồ Văn Hùng, phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, trước tình hình tội phạm cướp ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng, manh động.
Trung tá Hồ Văn Hùng đã từng tham gia phá vụ án cướp chi nhánh Ngân hàng BIDV ở Huế gây chấn động dư luận. Vụ cướp này chỉ diễn ra trong vòng 12 giây và kẻ cướp đã cướp đi gần 800 triệu đồng.
Tội phạm cướp ngân hàng dễ dàng mua vũ khí trên mạng
Theo ông, vì sao tội phạm cướp ngân hàng những năm gần đây lại có chiều hướng gia tăng?
Theo phân tích tâm lý, tội phạm cướp ngân hàng thường có hai loại. Một là do túng quẫn về mặt tài chính, dẫn đến hành vi cướp tiền để phục vụ nhu cầu trước mắt cấp bách của cá nhân. Hai là tội phạm có xu hướng thích thể hiện, muốn qua việc cướp phá để gây sự chú ý.
Hiện nay đa phần tội phạm thực hiện các vụ cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng trên cả nước đều thuộc nhóm một.
Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, giao dịch trên mạng nên việc tiếp cận để mua được những vũ khí trái pháp luật hiện nay dễ dàng hơn lúc trước rất nhiều.
Làm sao để các ngân hàng có thể nâng cao năng lực bảo vệ trước loại tội phạm này, thưa ông?
Lời khuyên của tôi đó là các ngân hàng phải đầu tư ít nhất là hệ thống camera an ninh và việc lắp đặt camera nên có sự tham vấn của lực lượng công an.
Thứ hai đó là các ngân hàng, chi nhánh, phòng giao dịch nên đầu tư lắp đặt hệ thống báo động khẩn cấp với lực lượng công an, cảnh sát hình sự gần nơi mình nhất.
Thứ ba đó là khi thuê các công ty phụ trách bảo vệ an ninh, các ngân hàng nên hợp đồng thuê với các đơn vị uy tín, được tập huấn thường xuyên các tình huống khẩn cấp.
Gặp cướp ngân hàng, người dân nên làm gì?
Những vụ cướp ngân hàng thường xảy ra trong thời gian rất nhanh và rất manh động, theo ông khi xảy ra trường hợp bị cướp, nhân viên ngân hàng có mặt ở đó cần phải làm gì?
Trong các vụ cướp ngân hàng, chúng tôi không khuyến khích việc những người có mặt tại đó thực hiện việc ra tay trấn áp tội phạm. Nhưng với lực lượng bảo vệ, nếu được tập huấn tốt thì sẽ có các kỹ năng quan trọng như phân biệt được hung khí gây án là "hàng nóng" hay "lạnh", có kỹ năng tước vũ khí của đối tượng…
Với nhân viên tại ngân hàng, điều quan trọng nhất đó là phải thật bình tĩnh, cố gắng ghi nhớ các nhận diện của tội phạm như đội mũ gì, đi giày hay dép, đeo khẩu trang màu gì, giọng nói thế nào… Điều này hết sức quan trọng trong công tác phá án.
Thường những vụ cướp ngân hàng sẽ diễn ra rất nhanh, như vụ cướp ở Huế chỉ trong vòng 12 giây để gây án. Vậy nên nếu được tập huấn kỹ lưỡng và bình tĩnh, các nhân viên ngân hàng có thể có những phương cách nhằm "câu giờ" như bấm sai khóa mật khẩu két tiền, khóa cửa ngân hàng…
Vậy còn với người dân khi đang giao dịch ở ngân hàng chẳng may rơi vào tình huống gặp cướp thì phải làm sao?
Với người dân hay với nhân viên ngân hàng, tôi xin nhấn mạnh rằng chúng tôi không khuyến khích việc trấn áp tội phạm, đặc biệt là với loại tội phạm nguy hiểm này khi không được trang bị chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên trong trường hợp bảo vệ ngân hàng đã phân tích được tình huống tốt, có sự khống chế tên cướp thì mọi người nên cùng với bảo vệ hỗ trợ bắt giữ.
Với người dân, tôi cho rằng mọi người nên hạn chế sử dụng tiền mặt để giao dịch tại ngân hàng mà nên sử dụng hình thức thanh toán online.
Nếu cần phải giao dịch tiền mặt với số lượng lớn thì nên báo trước với phía ngân hàng, sử dụng ô tô chứ không nên dùng túi xách hay bao bì lớn rồi đi xe máy đến giao dịch.
Khi đi giao dịch thì nên đi hai người trở lên và nên đi cùng với một người thanh niên khỏe mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Nghi phạm cướp ngân hàng ở Đà Nẵng đã dùng súng nhựa, roi điện, trang phục che giấu nhận diện khuôn mặt để thực hiện hành vi phạm tội.
Xem thêm: mth.43431336172403202-gnah-nagn-iat-pouc-ib-hnart-ed-tam-neit-gnud-tob-nen/nv.ertiout