Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Lê Quốc Phương, nguyên phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều điểm cần lưu ý.
Kinh tế khởi sắc hơn trên nền thấp những năm trước
* Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 ước đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ bốn năm trở lại đây. Ông đánh giá sao về con số này?
- Tăng trưởng quý 1 nền kinh tế cho thấy dấu hiệu khởi sắc hơn. Điểm sáng bức tranh chung là sự phục hồi mạnh từ khu vực dịch vụ du lịch, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý này tăng gần 7%, trong khi cùng kỳ giảm 0,45%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đều tăng.
Lượng khách quốc tế 3 tháng đầu năm 2024 đều đạt trên 1,5 triệu lượt mỗi tháng, tăng so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch. Một số lĩnh vực khác cũng tương đối tốt.
GDP quý 1 đã cao hơn 4 năm trở lại đây. Nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan, vì chúng ta đang so sánh tăng trưởng trên nền thấp những năm trước.
4 năm có 3 năm ngưng trệ vì dịch COVID-19 và năm 2023 quá khó khăn trước biến động nền kinh tế thế giới.
Kỳ vọng các quý tiếp theo, tăng trưởng GDP sẽ bứt tốc hơn. Bởi thường kinh tế tăng trưởng mạnh hơn vào những quý cuối năm.
Việt Nam đã rất chật vật...
* Theo ông, động lực quan trọng nào thúc đẩy sự phục hồi của ngành sản xuất vừa qua?
- Kinh tế Việt Nam có độ mở cao với 16 hiệp định thương mại (FTA)... Khi kinh tế thế giới phát triển, chúng ta được lợi, còn khi khó khăn chúng ta khó tránh.
Nhìn lại năm ngoái, Việt Nam đã rất chật vật trước biến động kinh tế thế giới. Lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm ở Mỹ, Pháp, Ý; trong 50 năm ở Đức. Các ngân hàng trung ương đã phải nâng lãi suất cao để chặn đà lạm phát.
Khi lãi suất cao lên, đầu tư giảm, tiêu dùng giảm, sản xuất đương nhiên giảm. Quý 1 năm nay, nhiều nền kinh tế lớn đã ngừng tăng lãi suất, Fed còn dự kiến 3 lần giảm lãi suất năm nay.
Ngoài ra, sau 2 năm chống chọi, giảm nhập khẩu vì lạm phát cao, tồn kho nhiều nhà nhập khẩu giảm, buộc phải thúc đẩy nhập thêm.
Các doanh nghiệp Việt Nam có đơn hàng trở lại, nhập khẩu tăng cao hơn, khối chế biến công nghiệp chế tạo lập tức rục rịch trở lại.
Nhìn chung, kinh tế thế giới ở thế giằng co, nhưng nghiêng về khả quan hơn. Kỳ vọng từ nay đến cuối năm lạm phát tiếp tục giảm, các ngân hàng hạ lãi suất, tiêu dùng thế giới tăng lại, thúc đẩy xuất khẩu.
Vẫn còn nhiều chỉ số đáng lưu tâm
* Ông nghĩ gì về con số Tổng cục Thống kê đưa ra: số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường 4.700 đơn vị?
- Xu hướng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động ở mức cao kéo dài suốt nhiều quý liên tiếp. Đây là chỉ số đáng lo ngại, phản ánh thời kỳ khó khăn của các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.
Doanh nghiệp kiệt sức sau nhiều năm chống chọi với COVID-19, lại thêm năm 2023 đối mặt những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Dù được Chính phủ quan tâm, có cải thiện rồi nhưng môi trường kinh doanh vẫn nhiều vướng mắc. Cơ quan quản lý vẫn đặt ra những quy định bớt trách nhiệm cho họ, dồn gánh nặng hơn về phía doanh nghiệp với đủ loại giấy phép. Rồi cán bộ sợ sai, không dám làm, trì trệ.
Thêm nữa tiếp cận vốn khó khăn. Lãi suất huy động đã thấp nhất 20 năm nay, nhưng lãi suất cho vay thực sự đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chưa? Doanh nghiệp vẫn than các nước lãi suất vay 3,5%, Việt Nam vẫn 7-9%.
* Là người nhiều năm kinh nghiệm với những con số, ông còn thấy chỉ số nào đáng lưu tâm?
- Xuất siêu của chúng ta lớn, nhưng chưa hẳn quá đáng mừng. Xuất siêu ở khu vực FDI chứ không phải khu vực kinh tế trong nước.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 25,21 tỉ USD trong quý 1, còn nhập khẩu đạt 29,7 tỉ USD, tức nhập siêu gần 4,5 tỉ USD.
Trong nước, cầu còn yếu khi sức mua của người dân tăng không cao. Lạm phát cũng là chỉ số cần theo dõi. Nền kinh tế vẫn gia công lắp ráp là chính, điều này khiến chúng ta khó bứt tốc được.
Quốc hội vừa thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6 - 6,5%, lạm phát ở mức 4 - 4,5%.