Những ngày gần đây, bắt đầu từ 11h, tại tuyến đường của thành phố Đà Nẵng dần ít người đi lại do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài.
Hầu hết mọi người ra ngoài đều che kín cơ thể bằng nhiều cách như đeo kính, đeo khẩu trang và mặc quần áo chống nắng.
Làm nghề thợ xây tại một công trình dưới chân cầu Thuận Phước, ông Trần Văn Nam (48 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết trời nắng nóng như thế này gây trở ngại cho công việc rất nhiều.
"Vữa xi măng thì rất nhanh khô, sức nóng từ xi măng hắt lên rất khó chịu, rất dễ mất sức.
Chúng tôi phải thay phiên nhau để mỗi người đều có khoảng thời gian làm trong bóng mát", ông Nam nói.
Cũng đang kiếm sống bằng nghề thu mua phế liệu dưới thời tiết oi bức của thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Hạnh (63 tuổi, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ đã rời nhà từ hơn 6h sáng.
Bà đi qua các con đường của thành phố để nhặt và mua phế liệu, nhưng cứ một đoạn đường lại phải vào bóng râm nghỉ 5-10 phút mới đi tiếp được vì quá nóng.
Còn ở Thừa Thiên Huế, nắng nóng như đổ lửa khiến người lao động nghèo ở chợ Đông Ba (TP Huế) phải tìm đủ cách để làm dịu cảm giác oi bức, khó chịu trên đường mưu sinh.
Bà Nguyễn Thuận Hóa (58 tuổi, bán hàng rong tại thành phố Huế) nói để có sức mưu sinh dưới trời nắng nóng đỉnh điểm như những ngày qua, bà phải dùng đến "chiến thuật" phân chia thời gian.
"Những ngày nắng như thế này thì tôi phải dậy sớm đẩy xe đi bán, rồi tìm chỗ cố định tránh nắng để bán ở đó luôn, chứ mà đến trưa trời nắng gắt thì đẩy xe đi không nổi", bà Hóa nói.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, trong ngày 4-4 ở TP Đà Nẵng có nơi nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C, độ ẩm thấp nhất đạt từ 50-65%. Còn tại TP Huế nhiệt độ trong ngày cao nhất ghi nhận là hơn 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Đây là đợt nắng nóng có cường độ mạnh nhất, xảy ra trên diện rộng và kéo dài trên miền Trung từ đầu năm 2024 đến nay. Dự báo nắng nóng sẽ còn kéo dài từ 3-5 ngày tới.
Nắng nóng oi bức khiến trẻ đến khám vì mắc bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa... tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tăng. Trong lúc chờ khám bệnh, phụ huynh dùng quạt, cho trẻ uống nước để giải nhiệt.