Ngày 4-4, tại triển lãm Đồ họa tranh in áp dụng thực tế ảo tăng cường (Timeless Elegance Exhibition 2024) do Trường đại học Greenwich Việt Nam - cơ sở Cần Thơ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức, đã làm khách tham quan không khỏi ngạc nhiên trước các sản phẩm độc đáo mà sinh viên ngành thiết kế đồ họa "trình làng" tại buổi triển lãm.
Theo đó, triển lãm trưng bày tranh in với chủ đề ca ngợi vẻ đẹp của văn hóa con người Nam Bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng thông qua các ấn phẩm tương tác hiện đại. Triển lãm cũng tạo môi trường giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bạn sinh viên ngành thiết kế đồ họa.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, giám đốc Greenwich Việt Nam - cơ sở Cần Thơ, cho biết với sự hướng dẫn của giảng viên, các bạn sinh viên đã hoàn thành đồ án học tập.
Việc áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) đã giúp sản phẩm của các bạn trở nên "có hồn" hơn, thật hơn trước mắt người dùng.
Tại gian triển lãm, dự án Sứ hoa họa ký gây chú ý với bộ sưu tập gốm sứ độc đáo. Nhóm của Lâm Chí Thiện (sinh viên năm cuối ngành thiết kế đồ họa) thông tin mỗi cái chén, dĩa, ly là sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật truyền thống và phong cách hiện đại.
"Sản phẩm hoàn thiện với chủ yếu là họa tiết hoa sen truyền thống. Qua thời gian nghiên cứu và lập trình, chúng mình đã có cách làm cho hoa sen biết chuyển động ngay trước mắt người dùng bằng cách lập trình và thông qua công nghệ AR có thể làm hoa sen bay lượn sống động…", bạn Chí Thiện nói.
Trong khi đó, khách tham quan không thể rời mắt trước những bức tranh Đông Hồ cũng được "ra lò" theo phong cách mới mẻ hiện đại.
Tranh Đông Hồ truyền thống nghệ nhân lành nghề sẽ khắc tranh trên gỗ. Sau đó, dùng giấy điệp để in tranh.
Nhóm bạn Lê Thành Ngoan đã dùng kỹ thuật cắt laser để tạo ra khung tranh gỗ về dòng tranh Đông Hồ. Dùng giấy dó để in tranh và sử dụng màu sắc tự nhiên.
Từ đó, tranh về Đám cưới chuột, Gà Đông Hồ, Lợn Đông Hồ, Vinh Hoa - Phú Quý... được tái hiện theo phong cách hiện đại mang đậm chất sinh viên miền Tây nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có.
Bằng sự sáng tạo dựa trên công nghệ AR, nhóm sinh viên Cần Thơ đã đưa hình ảnh các làng nghề truyền thống của miền Tây và 12 linh vật trong văn học dân gian vào sách.