Ông Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Đồng Nai) kể, 3 tháng đầu năm, đơn hàng bắt đầu nhiều dần, có tín hiệu tăng trưởng.
"Nhân sự cũng quay lại. Chúng tôi sẽ tuyển dụng thêm, khả năng số lượng đến cuối năm sẽ quay về ngang 3-4 năm trước, gần 550 người", ông Tân nói. Ông thừa nhận, các biến số địa chính trị, kinh tế còn nhiều, khả năng phục hồi của doanh nghiệp có thể đạt được năm nay, sau 2023 đầy khó khăn.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nói, bắt đầu nghĩ về lợi nhuận. "Đơn hàng dồi dào hơn từ cuối quý IV năm ngoái đến nay. Chúng tôi tăng sản xuất ngày đêm nhằm đáp ứng khách hàng", người này kể. Hai năm trước đó, doanh nghiệp này tăng trưởng âm, phải giảm bớt quy mô nhân lực, nhà xưởng.
Thực tế, nhìn vào bức tranh chung, kinh tế ba tháng đầu năm khởi sắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý I ước tăng 5,66%, cao nhất cùng kỳ 4 năm (2020-2023).
"Mức tăng trưởng quý I được xem là khởi đầu tích cực cho kinh tế Việt Nam năm nay", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định. Theo bà, đối chiếu với mục tiêu tại Nghị quyết phát triển kinh tế đưa ra đầu năm (quý I tăng 5,2-5,6%), kết quả hiện nay vượt kịch bản tốt nhất.
Công nghiệp và xây dựng vẫn là trụ đỡ cho tăng trưởng quý đầu năm, đạt 6,28%. Trong khi, nông, lâm thủy sản và dịch vụ cũng đạt mức khả quan, tuy nhiên, so với mục tiêu đều chưa bứt phá như kỳ vọng.
Quý I cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động hơn năm ngoái, trên 178 tỷ USD, tăng 15,5%. Xuất khẩu và nhập khẩu theo đó đều tăng với tốc độ tăng nhanh nhất kể từ 2021, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ với các sản phẩm điện tử và điện thoại, theo báo cáo của Ngân hàng UOB. Doanh số ngành bán dẫn tăng lên kể từ giữa năm 2023, cũng cho thấy xu hướng này sẽ tiếp diễn trong các quý còn lại của năm.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào Việt Nam đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Vốn giải ngân trong quý hơn 4,6 tỷ USD, cho thấy xu hướng tích cực với mức tăng trên 7% so với cùng kỳ.
"Kinh tế phục hồi ngoài nhờ sản xuất, xuất khẩu, còn đến từ việc Việt Nam luôn là điểm đầu tư hấp dẫn", TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nói.
Bên cạnh niềm tin của nhà đầu tư ngoại, vốn FDI thực hiện, đăng ký tăng sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước vào những quý tới, gồm tăng trưởng việc làm và xây dựng, theo Ngân hàng UOB.
Các yếu tố tích cực khiến nhiều dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng 6-6,5%, có khả năng đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.
Dù vậy, nền kinh tế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, quan ngại trong năm nay. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, điểm đáng lưu ý lúc này là tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao. Thống kê cho thấy, bình quân mỗi tháng trong quý I có 24.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, trong khi số thành lập mới, quay lại hoạt động chỉ gần 20.000 đơn vị.
"Đây là chỉ báo cho thấy vốn đầu tư tư nhân trong nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm", ông nói và nhìn nhận điều này tạo ra sự không bền vững khi FDI tăng lên còn doanh nghiệp nội địa co hẹp lại.
Báo cáo trước Chính phủ hôm 3/4, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu. Trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhu cầu thị trường thấp, cạnh tranh cao là khó khăn lớn nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Điểm nữa cần chú ý, theo các chuyên gia, là lạm phát. Quý I, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,77%. "Các chỉ số vĩ mô tương đối ổn định, vẫn có những dấu hiệu ảnh hưởng đến lạm phát trong các quý tiếp theo, như giá xăng dầu, một số hàng hóa cơ bản tăng. Chưa kể, áp lực về tỷ giá, giá vàng biến động tương đối trong thời gian qua", ông Việt nói.
Áp lực lạm phát gia tăng, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, là hiện hữu. Tốc độ CPI bình quân có xu hướng tăng dần trong 3 tháng qua (tháng 1 là 3,37%, hai tháng đầu năm lên 3,67% và quý I tăng 3,77%). Rủi ro cân đối vĩ mô này còn đến từ tác động của điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tăng lương từ 1/7, cộng hưởng với biến động giá xăng dầu, chi phí vận chuyển đường biển, hàng không thế giới.
Phía Ngân hàng UOB cũng cho rằng tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến Việt Nam thận trọng hơn trong bất kỳ thay đổi nào về chính sách lãi suất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được dự báo duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ chuyển trọng tâm sang các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân vay vốn.
Mặt khác, trong các tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khá mờ nhạt (đạt 0,26%, tụt lại so với tốc độ 1,99% của cùng kỳ năm trước). Theo chuyên gia của ngân hàng này, nhu cầu tín dụng thấp do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường.
Cùng đó, sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước khó khăn của nền kinh tế.
Ngoài những cân đối lớn, báo cáo cập nhật mới đây của World Bank nêu vấn đề quan ngại lớn của Việt Nam lúc này là thị trường bất động sản vẫn khó khăn, nhất là quy định, thủ tục phát triển nhà ở xã hội, trong khi chưa có các cải cách cần thiết về dịch vụ, đầu tư. Việt Nam cũng đối diện với vấn đề then chốt là năng suất cải thiện chậm, dẫn đến tăng trưởng đang được dự báo thấp hơn tiềm năng.
Ở khía cạnh này, TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý, nhà chức trách cần theo dõi cẩn trọng, tránh lạm phát tăng làm hẹp dư địa cho chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững trong các quý tiếp theo.
Đức Minh