Nhà ở thành nơi lưu trữ tro cốt
Hai ngày trước, ông Triệu ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đang nghỉ ngơi trong nhà thì chợt nghe thấy tiếng ồn ào ở ngoài hành lang. Tiến lại gần cửa, nhìn qua lỗ nhòm ra ngoài thì phát hiện có 7-8 người đang cúi đầu thành kính tại cửa ra vào căn hộ đối diện.
Đã từ rất lâu, ông chưa bao giờ gặp hàng xóm của mình cũng như chưa bao giờ thấy cửa phòng này mở ra nên càng cảm thấy tò mò. Ông liền giả vờ đi từ từ ra ngoài rồi ghé mắt nhìn vào bên trong căn hộ kỳ lạ đó: Cửa sổ đóng kín mít, ở giữa nhà là một chiếc hộp màu đen xung quanh bày nến nhang và ảnh chân dung người đã khuất.
"Hàng xóm nhà tôi không phải là người sống", ông Triệu nói trên một diễn đàn mạng xã hội. "Tôi vừa cảm thấy sợ hãi, vừa khó chịu nhưng không biết làm thế nào".
Ông Triệu không phải người đầu tiên gặp cảnh này. Năm ngoái, Lý Vân chuyển đến Thanh Đảo làm việc. Là sinh viên mới ra trường nên cô muốn thuê một căn hộ chi phí vừa phải và chốt một căn hộ có giá chỉ bằng nửa mặt bằng chung. Ngay lập tức cô gọi cho chủ nhà đặt cọc.
Ngày dọn đồ đến, nhân viên bảo vệ nhìn Lý với ánh mắt kỳ lạ. Sau khi dọn dẹp và mở cửa để đón nắng mới, cô gái 25 tuổi phát hiện cửa sổ ba nhà đối diện đều bịt kín bằng gạch đỏ.
Một lần khi Lý ra ngoài, tình cờ nghe được nhân viên bảo vệ nói chuyện với nhau: "Giới trẻ ngày nay có thể sống cạnh ngôi nhà ghê rợn như vậy mà không sợ hãi". Cô chột dạ rồi đi tìm hiểu và phát hiện ba ngôi nhà đối diện là nơi để tro cốt, nên phải bịt kín theo phong tục địa phương. Ngay lập tức, Lý hủy hợp đồng rồi chuyển đi.
Một thợ điều hòa tên A Vương ở Thiên Tân kể anh đã từng thấy một bình chứa tro cốt đặt trong nhà dân khi đến lắp đặt thiết bị cho khách. Chiếc bình đó đặt trên bàn, xung quanh là các lễ vật. Cửa sổ trong nhà dù không bịt kín nhưng treo rèm trắng, ở giữa đính thêm một bông hoa lớn giống như cách bài trí trong nhà tang lễ.
"Tôi sợ đến mức cứ đứng chôn chân ở cửa", Vương kể lại. Dù sau đó khách hàng hứa trả gấp đôi phí lắp đặt, anh cũng từ chối.
Với chủ đề "Căn hộ đựng tro cốt" trên mạng xã hội, nhiều người dùng mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ khi phát hiện hàng xóm làm điều tương tự. Có người tâm sự, họ đã làm việc chăm chỉ mong mua được căn nhà làm nơi nghỉ ngơi xứng đáng thì nay lại phải sống cạnh tro cốt người mất.
"Chỉ cần nghĩ tới việc này, tôi đã dựng hết tóc gáy", một người bình luận. Trong khi người khác chia sẻ: "Tôi còn không dám ra ngoài hành lang khi biết nhà hàng xóm chuyển đổi mục đích sử dụng, từ người sống sang người chết".
Có vi phạm luật pháp?
Theo cáo báo từ các cuộc phỏng vấn với các phóng viên của Nhân dân nhật báo, đã có nhiều trường hợp trên khắp Trung Quốc thừa nhận mua nhà ở thương mại chuyên để đặt bình đựng tro cốt.
"Trong cộng đồng cư dân, các tầng nhà hoặc thậm chí các tòa nhà có thể có nhiều người chết hơn người sống", anh Vương trả lời phóng viên.
Theo lời giới thiệu của anh Vương, các phóng viên đã đến thăm chung cư này. Một cô lao công chỉ vào căn phòng có rèm trắng và một bông hoa lớn màu trắng treo ở giữa, một căn phòng khác có rèm đen đóng chặt và nói rằng đây là nơi mà mọi người gọi là "phòng để tro".
Các căn phòng này không có ai cả, chỉ đến dịp lễ Thanh Minh mới có người thân đến thắp nhang đèn để tỏ lòng thành kính.
Phóng viên đếm và phát hiện có tới hơn 10 căn phòng được trang trí theo kiểu này chỉ trong 2 tòa nhà gần nhau.
Một người làm trong ngành bất động sản tại Giang Tô cho hay, khi một dự án được đưa ra thị trường, ngoài mua để ở còn có nhóm khách hàng sử dụng làm nơi chứa tro cốt người thân.
Theo người này, nguyên nhân chính là ở các thành phố lớn giá nghĩa trang và chi phí trông nom quá cao, trong khi thời gian thuê lại ngắn.
Bà Trịnh ở quận Triều Dương, Bắc Kinh đã tham khảo giá các nghĩa trang trong thành phố cách đây vài năm. Ngay cả những nghĩa trang bình dân, xa thành phố cũng có giá 100.000 tệ (350 triệu đồng) một suất an nghỉ. Không những vậy, tro cốt cũng chỉ được đặt tại đây 20 năm, đồng thời phải trả thêm phí trông nom hàng năm khá cao.
Người phụ nữ này nói rằng với mức giá như vậy bà đã nghĩ ngay đến việc mua một căn hộ ở quận Sùng Lễ, thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc với giá 250.000 tệ để đặt tro cốt người thân. "Nhà ở có thời hạn 70 năm, lại sử dụng được cho nhiều người nên đây là lựa chọn phù hợp", bà Trịnh nói.
Một người bạn của bà Trịnh cũng có ý định tương tự khi mua một căn hộ xa thành phố, ít dân cư với giá rẻ. Người này nói rằng, khi mua ông không tiết lộ với hàng xóm mục đích sử dụng chính, nhằm tránh cho đối phương gánh nặng tâm lý cũng như kiện cáo có thể xảy ra.
Ông Vũ, người làm trong ngành bất động sản ở Thiên Tân cho hay, dù trong hợp đồng mua bán luôn ghi rõ "không được thay đổi mục đích sử dụng", nhưng chính ông cũng không biết nếu chủ nhà sử dụng làm nơi đựng tro cốt có bị coi là vi phạm không. Dù vậy vẫn có những nhân viên chạy theo doanh số, một khi khách có nhu cầu, vẫn được tư vấn nhưng được dặn dò "không tiết lộ việc này cho bất cứ ai". Nếu bị phát hiện, họ sẽ chối khi cho rằng việc khách hàng sử dụng ngôi nhà như thế nào không nằm trong quyền kiểm soát.
Trước tình trạng này, bà Bao Hoa, giám đốc Ủy ban Pháp lý Quản lý Tài sản thuộc Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh, cho rằng, việc mua hay thuê nhà để đặt tro cốt là hành vi trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc trật tự công cộng tại Trung Quốc. Một khi ngôi nhà "đặt tro cốt" được bán lại, người chủ cũng phải có nghĩa vụ thông báo tới người mua.
"Việc đặt tro cốt trong nhà cũng giống như nơi đó từng xảy ra vụ giết người hoặc tự sát. Đây là tình huống nhiều người lo ngại nên khách hàng phải được biết sự thật", bà Bao nói.
Nữ luật sư cũng cho hay, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trên nằm ở giá nghĩa trang tại các thành phố lớn quá cao. Để giải quyết, cần phải khắc phục tình trạng hỗn loạn thu phí trong ngành tang lễ.
"Chỉ khi vấn đề được giải quyết mới đạt được sự cân bằng giữa người sống và người chết. Người sống có không gian an toàn để sống và người chết được chôn cất đàng hoàng", bà Bao nói.
Theo QQ