Sự ra đi của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh khiến bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng thương tiếc. Bởi ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Lê Quang Đỉnh dành nhiều tâm huyết với nghệ thuật đương đại
Lê Quang Đỉnh sinh năm 1968 tại Hà Tiên. Năm 10 tuổi, ông theo gia đình sang Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học California chuyên ngành nhiếp ảnh, sau đó theo học tiếp nghệ thuật thị giác tại New York.
Ông theo đuổi con đường nghệ thuật từ khi còn rất trẻ tại Mỹ. Năm 1993, ông về Việt Nam sống và làm việc. Ông có nhiều tác phẩm tạo tiếng vang ở trong nước và quốc tế như: Biển Đông Pishkun (2009) - một hoạt cảnh 3D tái hiện cảnh chiếc máy bay trực thăng rơi khi quân đội Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn trong sợ hãi.
Hay The Farmers and the Helicopters (Những người nông dân và máy bay trực thăng) - một sắp đặt bao gồm một video ba kênh và một chiếc trực thăng được anh nông dân Lê Văn Danh cùng thợ máy tự học Trần Quốc Hải lắp ráp thủ công từ các mảnh phế liệu....
Hình ảnh chiếc máy bay trực thăng từng là phương tiện gieo rắc tội ác trong cuộc kháng chiến, nay được những nông dân chế tạo thành công cụ hỗ trợ cho nông nghiệp.
Tác phẩm được thực hiện dưới hình thức phim tài liệu kết hợp nghệ thuật sắp đặt được trưng bày tại Bảo tàng Moma (New York) góp phần tạo dấu ấn của họa sĩ Lê Quang Đỉnh với bạn bè quốc tế.
Ngoài sở hữu hơn 30 triển lãm cá nhân tại nhiều quốc gia, ông Đỉnh còn là người đồng sáng lập hai trung tâm: Tổ chức nghệ thuật Việt Nam tại Los Angeles và Sàn Art, khu trưng bày nghệ thuật độc lập và phi lợi nhuận đầu tiên tại TP.HCM.
Với những đóng góp quan trọng, Lê Quang Đỉnh đã được nhận giải thưởng Prince Claus Foundation do hoàng gia Hà Lan trao tặng vào ngày 8-8-2011.
Lão nông tri điền trên cánh đồng nghệ thuật
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh buồn bã viết trên trang cá nhân: "Anh Lê Quang Đỉnh ra đi thật là một mất mát lớn cho nền nghệ thuật Việt nam.
Mình quen nhiều người giỏi nhưng ít người giỏi mà điềm đạm, nhân hậu và làm việc nhiều việc tốt cho người khác cũng như cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam với thái độ bền bỉ, khiêm nhường, rộng lòng như anh Đỉnh".
Cô cho biết mới năm trước, ông Đỉnh còn đến Pháp để làm triển lãm tại bảo tàng Quai Branly, một triển lãm đặc biệt, có phẩm cấp và nó gắn với Việt Nam.
Triển lãm của ông Đỉnh ở Paris còn cố gắng giới thiệu thêm tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam thế hệ kháng chiến. Ông bảo thật tiếc nếu thế hệ ấy không có cơ hội được giới thiệu ở đâu nên ông đã cố gắng làm.
Cô còn nhớ về lần đầu gặp ông Đỉnh. "Khi ấy, anh mới về Việt Nam, mang tiền cá nhân để nuôi Sàn Art và biến nó thành một nơi mới để giao lưu nghệ thuật, nhìn anh như một lão nông tri điền hiền lành...
Ừ thì cũng đúng, lão nông tri điền trên cánh đồng nghệ thuật" - nhà báo Mỹ Linh viết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ dù anh chưa có cơ hội làm việc trực tiếp với họa sĩ Lê Quang Đỉnh nhưng anh luôn theo dõi con đường nghệ thuật của ông và cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ hành trình ấy.
"Tác phẩm của anh ấy có chiều sâu, có sự thấu đáo và có dấu ấn để cho thế hệ sau học hỏi. Khi anh về nước thì anh cũng có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật Việt. Hai ngày trước, tôi vẫn thấy anh đăng bài trên facebook mà giờ ra đi đột ngột thì tôi cảm thấy bàng hoàng lắm", họa sĩ Huy Thông bày tỏ.
TT - "Mọi người đang đua nhau lên sàn chứng khoán, lên sàn bất động sản, còn ở đây xin mời lên... sàn mỹ thuật" - nghệ sĩ mỹ thuật đương đại gốc Việt Lê Quang Đỉnh giải thích một cách rất... đương đại về phòng tranh mang tên Sàn Art mà anh là người sáng lập, vừa khai trương chiều 3-10 tại 23 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM.