Tôi từng có gần 10 năm làm công việc xử lý thông tin ở kênh giao thông đô thị trên đài phát thanh. Mỗi ngày, chúng tôi nhận được vài trăm cuộc gọi từ thính giả, tài xế phản ảnh về thực trạng giao thông khó khăn, căng thẳng trên đường.
Và "kẹt xe" là từ mà mọi người quen dùng mỗi khi gọi điện đến đài phản ảnh.
"Kẹt cứng" sao đài báo là ùn tắc?
Chúng tôi đã luôn rất cân nhắc, thận trọng hơn mỗi khi đọc tin trên sóng phát thanh. Bởi lẽ trong nhiều văn bản của các cơ quan chức năng thì từ "kẹt xe" rất ít khi được sử dụng. Để xác định tình trạng "xe đông", "xe đông di chuyển chậm" hay "ùn xe", "kẹt xe"... chúng tôi phải tự thống nhất.
Ví dụ như cứ 4 đến 5 lượt đèn đỏ mà các phương tiện vẫn không di chuyển được thì gọi là ùn xe (hay ùn tắc) hoặc nếu tại một giao lộ mà có 3-4 thính giả trở lên gọi về đài xác nhận thì chúng tôi thông báo đó là ùn xe.
Thính giả không quan tâm ùn xe bao nhiêu lượt đèn đỏ. Bởi tâm lý chung của người tham gia giao thông nếu thấy các phương tiện đứng yên một chỗ tầm vài phút thì tự khắc họ gọi đó là ùn tắc hoặc kẹt xe. Bạn nghe đài thắc thắc mắc: kẹt xe, tắc đường nhưng tại sao người dẫn chương trình của đài cứ đọc là ùn xe? Họ cho rằng đọc như vậy không đúng với hiện trường!
Ở góc độ người dân, mọi việc cần thật đơn giản, ngắn gọn! Người đi đường không quan tâm nhiều đến thuật ngữ, khái niệm. Họ chỉ thấy sao phản ảnh đúng thực trạng và cũng muốn thông tin được chia sẻ theo cách đúng nhất, dễ nghe, dễ hiểu nhất.
Theo tôi biết, tiêu chí/căn cứ như thế nào là kẹt xe, ùn xe, xe đông... thì ngay cả các kênh thông tin giao thông cũng diễn giải theo cách của riêng nhà đài thông qua tin báo từ thính giả, qua quan sát của biên tập viên/MC trên hình ảnh từ hệ thống camera...
Những thông số về ùn tắc hay kẹt xe giữa các đơn vị từ ngành chức năng như giao thông vận tải, cảnh sát giao thông, ban an toàn giao thông, các kênh phát thanh về giao thông cũng chưa được kết nối hay tham chiếu với nhau. Cho nên căn cứ, tiêu chí về ùn tắc giao thông mỗi nơi thông tin theo cách của mình.
Cần tiêu chí chung cho cả nước
Năm 2017, ngành giao thông vận tải TP.HCM từng đề xuất Ủy ban An toàn giao thông quốc gia áp dụng tạm bộ tiêu chí như sau: vận tốc trung bình dòng xe bằng 5 km/h (mức này thậm chí thấp hơn vận tốc của người đi bộ), ùn tắc kéo dài trong thời gian trên 30 phút và chiều dài dòng xe kéo dài từ 200 - 300m gọi là ùn tắc.
Trong thực tế hiện nay, nếu có hàng trăm xe bị kẹt ở giao lộ nào đó khoảng 30 phút thì mỗi người phải mất bao nhiêu thời gian, tốn bao nhiêu xăng, thiệt hại bao nhiêu tiền bạc, công việc bị trễ nải - ngưng trệ ra sao? Đặc biệt trong điều kiện nền nhiệt độ nắng nóng như hiện nay nếu các phương tiện bị "đứng hình" tại giao lộ khoảng 5 phút thôi, thì chúng ta có cảm giác ra sao?
Cho nên khái niệm về "ùn xe trên 30 phút" hay "dòng xe kéo dài 200 - 300m" nếu xảy ra trên thực tế chắc chắn sẽ vượt sức chịu đựng của người tham gia giao thông. Chỉ cần một va quẹt nhẹ, một sự cố nhỏ cũng dễ dẫn đến xô xát. Mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí về nhà đổ bệnh. Nghiêm trọng như vậy mà vẫn chưa được gọi là "kẹt xe" thì có hợp lý không?
Theo cách gọi người miền Nam, xe không di chuyển được thì gọi là kẹt xe. Người miền Bắc gọi là tắc đường. Vấn đề cần được xác định rằng xe không di chuyển được trong bao lâu (5, 7 hay 10 phút) thì gọi là kẹt xe, trong mấy phút gọi là ùn tắc? Cái này cần sớm được thống nhất!
Và dù thế nào, tôi chắc rằng ùn 30 phút hoặc dòng xe kéo dài 200 - 300m nhưng vẫn không gọi là "kẹt xe" thì cách diễn đạt này chưa đúng với nỗi khổ thực tế của người tham gia giao thông.
"Ùn tắc giao thông", "kẹt xe" hay "tắc đường" không đơn thuần là sự giải thích về định nghĩa. Đó là cách chúng ta cần "chuẩn hóa" có chủ đích để hình thành nên nhận thức một cách nhân văn nhất, chia sẻ nhất, gần gũi nhất với sự vất vả của người dân hằng ngày phải "vật lộn" với thực trạng giao thông căng thẳng. Nhất là tại các đô thị có mật độ phương tiện cao như TP.HCM hay Hà Nội.
"Nói giảm" đi sẽ khó có sự thuyết phục.
Một bộ tiêu chí cần phải xác định "tính đúng, tính đủ và tính hợp lý" của nó. Xác định ùn tắc hay kẹt xe liên quan đến các giải pháp trước mắt và lâu dài phù hợp hơn với thực tế. Đến nay, bộ tiêu chí chung cho cả nước để làm căn cứ tuyên truyền, đánh giá mức độ kẹt xe, tắc đường vẫn chưa có.
Tối 11-4, hàng xe cộ nối đuôi nhau nhích từng chút trên đường Tôn Đức Thắng hướng quận 4 đi trung tâm TP.HCM. Nhiều người đi xe máy phải dừng sát vỉa hè, chờ hết kẹt mới đi.