Sự cố bất khả kháng tại kênh đào Suez: doanh nghiệp phải đàm phán giải quyết phát sinh
Trung Chánh
(KTSG Online) – Sự cố tàu container Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez đã được “giải cứu” thành công. Thế nhưng, trong trường hợp này, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho rằng, đây là sự cố bất khả kháng, cho nên, hai bên (bên mua và bán) phải đàm phán để giải quyết phát sinh trên tinh thần cùng chia sẻ.
Từ sự cố ở Kênh đào Suez, hướng rẽ mới trên tuyến đường sắt Á-Âu
Các tàu kéo đã giải cứu thành công tàu Ever Given vào chiều 29-3. Ảnh: EPA. |
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, sự việc tàu Ever Given- một trong những tàu container lớn nhất thế giới- trên đường di chuyển từ châu Á sang châu Âu bị mắc cạn khi đi qua kênh đào Suez. “Sự việc này khiến việc di chuyển của các tàu khác theo cả hai hướng trên kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này”, ông cho biết.
Theo ông Hải, nếu các tàu buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) (vì sự cố trên- PV) sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.
Trong khi đó, châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc, cho nên, việc kênh đào Suez bị "tắc nghẽn" như khoảng một tuần qua sẽ có tác động nhất định trong việc giao thương giữa Việt Nam với châu Âu.
Cụ thể, ông Hải cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu 43,7 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ đô la Mỹ. Riêng, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu là 7,5 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu là 3,1 tỉ đô la Mỹ.
Ông Hải cho rằng, ngoài một khối lượng nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, thì cơ bản hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, thông qua kênh đào Suez. “Do vậy, việc kênh bị ngừng lưu thông có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu”, ông cho biết.
Như KTSG Online đã thông tin, có thể mất ít nhất 10 ngày nữa để giải phóng hết số tàu đang dồn ứ ở hai đầu kênh Suez.
Liên quan sự cố trên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An- doanh nghiệp xuất khẩu lô gạo đầu tiên vào châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8 năm ngoái- cho biết, đối với Trung An, rất may không có lô hàng nào bị “mắc kẹt” trong khoảng thời gian tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez. “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị đóng lô hàng mới đi châu Âu”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, ngoài sự cố xảy ra ở tuyến hàng hải tại kênh đào Suez, những tình huống tương tự cũng đã xảy ra. “Không phải bị mắc kẹt ở kênh đào Suez, mà nhiều trường hợp tương tự như bị “delay” cũng thường xảy ra đối với xuất khẩu”, ông cho biết và nói rằng, đây là chuyện rất bình thường.
Chính vì vậy, theo ông Bình, trong ký kết hợp đồng có những điều khoản về rủi ro bất khả kháng, khi đó, hai bên sẽ cùng nhau đàm phán để giải quyết rủi ro.
“Nếu trường hợp kéo dài, buộc các tàu phải vòng qua Mũi Hạo Vọng của Nam Phi, thì tất nhiên sẽ tăng cước phí. Lúc đó, hai bên sẽ tính lại với nhau về cước phí phát sinh”, ông Bình cho biết và nói rằng, giống như trường hợp giá container từ 1.000 đô la Mỹ lên 6.000-8.000 đô la Mỹ, thậm chí có lô hàng lên đến 10.000 đô la Mỹ, tức gấp 10 lần giá ban đầu, thì hai bên cũng phải đàm phán để giải quyết. "Nói chung, vấn đề này phải cùng nhau đàm phán để giải quyết trên tinh thần chia sẻ", ông nhấn mạnh.