vĐồng tin tức tài chính 365

Myanmar sau 2 tháng chính biến: Khủng hoảng ngày càng xấu

2021-04-01 06:23

Ngày 1-4 đánh dấu tròn hai tháng Myanmar rơi vào khủng hoảng khi người dân liên tục xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Tuy vậy, bất chấp phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế, tình hình vẫn chưa có cải thiện mà thậm chí còn diễn biến tiêu cực hơn trước với số lượng người biểu tình thiệt mạng vì trúng đạn cảnh sát vượt mốc 500 và ngày một tăng.

Myanmar sau 2 tháng chính biến: Khủng hoảng ngày càng xấu - ảnh 1
Người biểu tình bên cạnh một đám cháy trên đường phố TP Yangon ngày 30-3. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-3 đã ra chỉ đạo rút các nhân viên ngoại giao thuộc diện không khẩn cấp và gia đình của họ khỏi Myanmar nhằm bảo đảm an toàn. Trước đó, vào ngày 14-2, Bộ Ngoại giao chỉ mới khuyến khích những người này tự nguyện rời khỏi Myanmar nhưng quy định mới là bắt buộc. 

Căng thẳng người dân - phe quân đội chưa hạ nhiệt

Theo ghi nhận của hãng tin Sky News, đường phố TP Yangon ngày 31-3 (giờ địa phương) vẫn tiếp tục đầy rác thải sau khi phe biểu tình phát động “cuộc đình công rác”, kêu gọi người dân đổ rác ra đường để cản đường cảnh sát cũng như thể hiện thái độ phản đối. Một số người còn dựng lô cốt tự chế bằng bao cát và hộp nhựa. Không có báo cáo thương vong và đụng độ bạo lực trong ngày này và cả ngày hôm trước là 30-3. Tuy nhiên, ngày 29-3 vừa qua lại đặc biệt đẫm máu với 18 người biểu tình bị bắn chết trên toàn Myanmar.

Trước tình trạng thương vong tăng dần, một nhóm biểu tình mới đây cũng đã kêu gọi các dân tộc thiểu số có lực lượng vũ trang riêng hỗ trợ họ chống lại chính quyền quân sự. Đáp lại, đảng Liên đoàn Dân tộc vì dân chủ của người Shan, lực lượng vũ trang của người Arakan và lực lượng vũ trang của người Ta’ang ngày 30-3 đã ra tuyên bố chung kêu gọi quân đội dừng ngay lập tức việc giết người biểu tình và cùng ngồi xuống giải quyết các vấn đề chính trị trong hòa bình. Bằng không, ba bên này sẽ hợp tác với các nhóm thiểu số khác đáp trả để tự vệ.

Hãng tin AP còn cho biết cuối tuần trước, quân đội Myanmar đã có cuộc đụng độ dữ dội với các thành viên thuộc tổ chức Liên đoàn Quốc gia Karen của người Karen (KNU) gần khu vực biên giới giáp với Thái Lan, khiến khoảng 3.000 người chạy sang nước láng giềng này để tị nạn. KNU lâu nay cũng đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ phong trào biểu tình và cũng kêu gọi quân đội dừng hành động bạo lực nhắm vào người dân.

Bài toán người tị nạn cho các nước giáp Myanmar

Bàn thêm về vấn đề tị nạn, việc hàng ngàn người Myanmar chạy sang tránh khủng hoảng trong nước đang đặt gánh nặng rất lớn về phía các quốc gia có đường biên giới giáp với Myanmar, ở đây là Thái Lan và Ấn Độ. Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 29-3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thẳng thắn cho biết chính quyền Bangkok không muốn người tị nạn vượt biên nhưng vẫn đang gấp rút chuẩn bị cho khả năng này.

“Chúng tôi đã chuẩn bị những khu vực có thể phải tiếp đón người tị nạn chạy từ Myanmar sang nên hoàn toàn biết có thể giữ họ ở đâu. Thái Lan không hề muốn bất cứ dòng người di cư nào vào đất nước nhưng chắc chắn vẫn cân nhắc các vấn đề nhân đạo và quyền con người” - ông Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh, theo đài CNN.

Về phía Ấn Độ, tờ South China Morning Post cho hay cộng đồng mạng xã hội nước này đang rất phẫn nộ sau khi có tin chính quyền bang Manipur, khu vực giáp biên giới với Myanmar, đã ra chỉ thị quan chức địa phương cùng các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong vùng “không cung cấp thực phẩm và nơi trú chân” cho người tị nạn từ nước láng giềng chạy sang, chỉ hỗ trợ chữa trị cho người bị thương. Trong khi đó, chính quyền bang Mizoram, là một khu vực khác giáp Myanmar, lại có quan điểm được đánh giá là nhân đạo hơn. Cụ thể, thủ hiến bang này là ông Zoramthanga trong bức thư gửi cho Thủ tướng Narendra Modi mới đây đã khẳng định Ấn Độ không thể quay mặt trước “thảm kịch nhân đạo” đang diễn ra ở Myanmar. Hiện đã có ít nhất 100 người tị nạn Myanmar chạy đến bang này nhưng luôn đối diện với nguy cơ bị trục xuất bất cứ lúc nào.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục sức ép lên phe quân đội

Suốt hai tháng qua, phản ứng của cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể giúp giải quyết tình hình khủng hoảng Myanmar. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi trong phiên họp với quốc hội ngày 30-3 đã tuyên bố sẽ dừng cấp thêm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mới cho Myanmar chừng nào khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết.

“Nhật là bên cung cấp hỗ trợ phát triển lớn nhất cho Myanmar và chúng ta không có kế hoạch cung cấp thêm cho các dự án mới. Chúng ta nên đưa ra lập trường rõ ràng. Hơn nữa, việc dừng cấp ODA sẽ có hiệu quả hơn trong việc gây áp lực lên quân đội Myanmar so với các lệnh cấm vận mà Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp dụng” - hãng tin Kyodo News dẫn lời ông Motegi cho hay. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Ngoại giao Nhật, ODA của nước này cấp cho Myanmar lên tới gần 1,7 tỉ USD trong năm tài khóa 2019.

Về phía Mỹ, đại diện Thương mại nước này là bà Katherine Tai ngày 29-3 ra thông báo đình chỉ ngay lập tức toàn bộ giao dịch thương mại với Myanmar theo Thỏa thuận khung Đầu tư và Thương mại 2013 cho đến khi chính phủ dân sự nắm quyền trở lại, hãng tin Reuters cho biết. Đây là thỏa thuận được Mỹ và Myanmar ký hồi tháng 5-2013, dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền Tổng thống Myanmar Thein Sein. Theo nội dung thỏa thuận, hai nước hợp tác để đưa ra các sáng kiến nhằm hỗ trợ chương trình cải cách và thúc đẩy phát triển một cách toàn diện vì lợi ích của người dân Myanmar, đặc biệt là tầng lớp người nghèo. Sang ngày 30-3, Mỹ lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế rút đầu tư khỏi Myanmar.

Hãng tin AFP cho biết Trung Quốc vừa phong tỏa TP Thụy Lệ, giáp biên giới với Myanmar, sau khi ghi nhận sáu ca nhiễm COVID-19 trong ngày 31-3. Đây cũng là cụm dịch đáng kể đầu tiên tại Trung Quốc sau gần hai tháng. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm từ đâu xuất hiện, song có thể đến từ Myanmar do Thụy Lệ có ghi nhận một số trường hợp người Myanmar xin tị nạn.

Chính quyền Thụy Lệ hiện đã ra thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm tất cả cư dân để truy vết các ca nhiễm và mọi người sẽ bị “cách ly tại nhà” trong một tuần. Điều này có nghĩa là cư dân không được rời khỏi nhà mà không có “lý do đặc biệt” và chỉ một thành viên trong mỗi hộ gia đình được phép rời đi để mua nhu yếu phẩm hằng ngày. 

 

Xem thêm: lmth.810679-uax-gnac-yagn-gnaoh-gnuhk-neib-hnihc-gnaht-2-uas-ramnaym/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Myanmar sau 2 tháng chính biến: Khủng hoảng ngày càng xấu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools